VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2004 |
Ngày 22 tháng 3 năm 2004, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về một số cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Công nghiệp, Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và ý kiến các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Trong những năm gần đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chương trình đóng mới tàu biển trong nước, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, có sản phẩm tàu biển đóng mới xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là những thành công bước đầu đáng khích lệ, cần phát huy để ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Trên tinh thần đó, việc cập nhật, điều chỉnh lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 và Đề án phát triển của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 là cần thiết.
a. Đối với việc phát triển Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam:
- Tổng công ty phải thực sự mạnh không chỉ về tiềm lực sản xuất công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, mà còn phải mạnh về chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, tiến tới xây dựng Tổng công ty thành tập đoàn kinh tế mạnh.
- Tổng công ty kinh doanh đa ngành, lấy đóng và sửa chữa tàu biển là chính, trong đó để tăng tỷ lệ nội địa hóa phải tham gia sản xuất thép đóng tàu; lắp ráp được động cơ diesel tàu thủy có công suất lớn; tham gia sản xuất được nghi khí hàng hải... Những ngành nghề khác có thể liên doanh, liên kết với các đối tác trong ngoài nước để thực hiện.
- Hoàn thành việc xây dựng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo mô hình Công ty Mẹ-con đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2003/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2003; từng bước thực hiện cổ phần hóa và xây dựng phương án tham gia thị trường chứng khoán nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để phát triển.
b. Về định hướng đầu tư các dự án trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 và Đề án phát triển của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam:
- Việc đầu tư các dự án cần lưu ý tuân thủ nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi hợp lý bảo đảm tính khả thi và hiệu quả bền vững.
- Chính phủ sẽ có các chính sách hỗ trợ thích hợp cho phát triển công nghiệp đóng tàu thủy, trước hết hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nhà máy đóng tàu với yêu cầu đầu tư có chọn lọc, có thứ tự ưu tiên theo hướng các nhà máy được chọn phải có tiềm năng phát triển nhanh, có thị trường, sản phẩm làm ra có chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, từng bước cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài để hướng tới xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm tàu thủy ra nước ngoài.
- Các dự án đóng tàu xuất khẩu, các dự án đầu tư nhà máy đóng tàu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, nếu nhập thiết bị bằng nguồn vay từ nước ngoài được xem xét, bảo lãnh của Chính phủ.
3. Về những kiến nghị của Tổng công ty:
- Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành cập nhật, hoàn chỉnh Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2010 và Đề án phát triển của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình trong tháng 6 năm 2004 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về nguyên tắc đồng ý Tổng công ty được dùng vốn từ chuyển đổi quỹ đất tại các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty, coi như vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng của các nhà máy đóng và sửa chữa tàu như triền, đà, ụ nổi, ụ chìm, hệ thống đường nội bộ, điện, nước, luồng tàu vào nhà máy. Tổng công ty lập dự án cụ thể, trình duyệt theo quy trình áp dụng đối với các dự án của doanh nghiệp thuộc diện di dời ra khỏi nội đô được dùng tiền chuyển nhượng từ quyền sử dụng đất mà trước đây doanh nghiệp được giao theo quy định của pháp luật để đầu tư cơ sở mới.
- Nhằm khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm cơ khí tàu biển, đối với các dự án đóng tàu xuất khẩu, về nguyên tắc, cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay vượt mức 15% vốn tự có của ngân hàng, giao Ngân hàng nhà nước chỉ đạo cụ thể.
- Giao Bộ Tài chính phối hợp với Tổng công ty và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc tiếp tục vay vốn Ba Lan, nếu thấy có hiệu quả thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về vấn đề xây dựng Viện khoa học công nghệ tàu thủy thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng cơ bản trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy: Giao Bộ khoa học và công nghệ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giúp Tổng công ty xây dựng phương án, trình duyệt theo quy định.
- Về "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam": Tổng công ty thực hiện theo ý kiến đã chỉ đạo tại Thông báo số 134/TB-VPCP ngày 26 tháng 8 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ.
- Đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với các loại vật liệu, nguyên liệu trong nước không sản xuất được để phục vụ cho đóng tàu xuất khẩu, giao Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty thực hiện cụ thể.
- Về cấp vốn ngân sách để mua thiết kế, chuyển giao công nghệ cho việc đóng tàu chở dầu 100.000 DWT: Về nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tại văn bản của Chính phủ số 162/CP-CN ngày 14 tháng 2 năm 2003, giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
- Về cho phép sử dụng tàu xuất khẩu cho I -Rắc:
+ Đối với tàu hút bùn 1500m3: Giao Bộ Tài chính và Quỹ Hỗ trợ phát triển xem xét cụ thể, nếu khó khăn trong việc chuyển giao cho Irắc, thì cho phép Tổng công ty được chuyển vốn vay để đóng tàu này từ hình thức vay ngắn hạn sang hình thức vay dài hạn tại Quỹ hỗ trợ phát triển.
+ Đối với tàu cứu thương: Về nguyên tắc đồng ý giao cho Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan xử lý cụ thể.
-Về vay ưu đãi để đầu tư ngay một số sản phẩm tàu mẫu: Về nguyên tắc đồng ý cho sản phẩm tàu lash mẹ 10.000 DWT được vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển, giao Quỹ hỗ trợ phát triển xử lý cụ thể theo quy định. Đối với việc đầu tư các tàu mà đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển tại các văn bản trước đây, bao gồm: tàu chở dầu thô 100.000 DWT, tàu chở dầu sản phẩm 13.500 DWT và tàu chở container loại 564 TEU, giao Quỹ Hỗ trợ phát triển tiếp tục thực hiện việc cho vay vốn theo quy định.
- Giao Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép Hội đồng quản trị Tổng công ty được tự chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành có liên quan biết và thực hiện.
| Nguyễn Công Sự (Đã ký) |
- 1Quyết định 60/2003/QĐ-TTg về việc thí điểm Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-Công ty con do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 32/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 1626/VPCP-CN về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành xây dựng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 88/TB-VPCP về ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về một số có chế hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 88/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 20/04/2004
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Công Sự
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/04/2004
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực