Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Ngày 26 tháng 02 năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác đào tạo nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng cục Dạy nghề và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Đánh giá cao về sự chủ động, tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác đào tạo, phát triển nhân lực của ngành cả trước mắt và các năm tới, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực về quản lý nhà nước ở các cấp cũng như cho các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong ngành. Bộ đã chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực cho các lĩnh vực mà ngành thực hiện quản lý nhà nước và các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó có việc chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện việc kinh tế hóa ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là sự đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và về nhân lực trình độ cao; năng lực đào tạo, dạy nghề phục vụ ngành còn nhiều hạn chế, bất cập.
2. Cơ bản nhất trí với những mục tiêu giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường đã được đề cập trong Báo cáo của Bộ. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Phát triển đào tạo nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020” bao gồm cả việc đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ cán bộ, công chức của toàn ngành, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 năm 2010; trong đó lưu ý một số vấn đề sau:
Căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiến hành rà soát, khảo sát đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường, dự báo cơ cấu nhân lực của ngành để làm cơ sở xác định dự báo về quy mô, cơ cấu đào tạo. Đồng thời, rà soát lại mạng lưới, năng lực đào tạo, cơ cấu ngành nghề đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề liên quan các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường; khả năng của các doanh nghiệp, nhất là các công ty, tổng công ty trực thuộc trong việc hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực;
Xác định rõ quan điểm, đối tượng, mục tiêu đào tạo và những vấn đề cấp bách cần giải quyết về nguồn nhân lực cho ngành và cho xã hội, trong giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho việc quản lý đất đai, nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực quản lý mới của Bộ và địa phương như: quản lý biển đảo, công nghệ viễn thám, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Làm rõ yêu cầu phát triển quy mô đào tạo gắn với đổi mới tổ chức quản lý, phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo ở mọi cấp trình độ … Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên; chuẩn hóa đầu ra và chương trình đào tạo, dạy nghề cho ngành. Xác định hệ thống giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp đột phá là đổi mới quản lý của nhà nước về đào tạo và của các trường. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong công tác đào tạo; xây dựng hệ thống chính sách cho người học, người dạy, cơ sở đào tạo; trong đó có việc thu hút và tạo nguồn nhân lực đối với ngành có tính đặc thù; thực hiện phân cấp quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực. Xác định nguồn lực thực hiện Đề án. Xây dựng cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát chất lượng.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các cơ sở đào tạo trong cả nước chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường để tổ chức trong tháng 8 năm 2010.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án nâng cấp 02 trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh lên đại học. Việc thành lập “Trung tâm đào tạo môi trường Đông Á” nên đặt trong một trường đại học mới thành lập.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện các Đề án nâng cấp 02 trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh lên đại học; theo đúng các quy định hiện hành.
Tháng 3 năm 2010, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong quý II năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh.
- Xem xét tăng chỉ tiêu đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho ngành Tài nguyên và Môi trường.
- Xem xét giải quyết việc mở các ngành học mới tại các trường đào tạo về Tài nguyên và Môi trường đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường và nhu cầu xã hội. Tạo điều kiện để ngành Tài nguyên và Môi trường được đào tạo ở nước ngoài trong một số lĩnh vực như: khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ … bằng ngân sách nhà nước và kinh phí từ các đề án đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hướng dẫn các Viện của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc liên kết với các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện tham gia đào tạo trình độ cao cho ngành.
c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường củng cố phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề cho ngành Tài nguyên và Môi trường, tạo điều kiện các trường, các đơn vị của ngành tham gia các đề án dạy nghề và Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
d) Bộ Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ giỏi về công tác trong ngành Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2010.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ việc đầu tư kinh phí thành lập 2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường từ 2 trường cao đẳng.
e) Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay để học theo quy định.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác đào tạo nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường đáp ứng nhu cầu của địa phương và của ngành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 79/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác đào tạo nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 79/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 22/03/2010
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra