Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
--------

Số: 74-TB/TW

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 32-CT/TƯ CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ IX) VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, NHÂN DÂN

Ngày 18/4/2007, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Qua Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Ban Bí thư kết luận như sau:

1. Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban bí thư (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực triển khai, hầu hết các địa phương, bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương xây dựng được chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị và địa phương để tổ chức thực hiện; xác định rõ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Qua việc nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức thống nhất, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân, do nhân dân, vì nhân dân; việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật là yêu cầu, đòi hỏi khách quan của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đi vào nền nếp; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cũng như việc định hướng nội dung, đổi mới hình thức, tăng cường các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm thực hiện tốt hơn.

Việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo động lực mới trong công tác chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết, chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao ý thức sống và làm viẹc theo Hiến pháp và Pháp luật của cán bộ và nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn một số hạn chế, khuyết điểm:

Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị ở một số ngành, địa phương còn chậm, kế hoạch, biện pháp phối hợp chưa tốt, hiệu quả thấp, nhất là ở cấp cơ sở. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ về công tác này, còn khoán trắng cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, ngoài xã hội chậm đổi mới, còn nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là với các đối tượng đặc thù. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, giới thiệu, học tập, nghiên cứu pháp luật chưa làm được nhiều, đối tượng tiếp cận còn trong phạm vi hẹp, hạn chế đến tổ chức thực hiện các quy định pháp luật trong thực tiễn.

Những hạn chế, thiếu sót trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Công tác tham mưu của cơ quan tư pháp và các cơ quan chuyên môn của cấp uỷ, chính quyền ở một số nơi thiếu chủ động, kịp thời. Kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện chưa thống nhất, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn thiếu về số lượng, một bộ phận năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu mới; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị chưa được thường xuyên coi trọng, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong quá trình thực hiện chưa chặt chẽ, chưa phát huy đầy đủ chức năng, phương tiện của các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Hạn chế, thiếu sót trên đã làm ảnh hưởng đến tình h ình chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật tiếp tục tăng, một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp, chưa bị đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội.

3. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX), trong thời gian tới, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân theo đúng tinh thần của Chỉ thị 32-CT/TW, gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, các nghị quyết của Bộ Chính trị (khoá IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Trước mắt cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật phục vụ bầu cử Quốc hội khoá VII, phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên; an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương.

Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và đồng bộ, tạo điều kiện để mọi người dân sống và làm việc theo pháp luật, có những quy định xử lý vi phạm đảm bảo đủ để răn đe, giáo dục người vi phạm và giáo dục chung trong xã hội; nghiên cứu, ban hành đạo luật riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cơ sở pháp lý thống nhất, điều chỉnh toàn diện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW trong phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách, có biện pháp hiệu quả để khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục h oàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đáp ứng đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, xây dựng cơ chế trợ giá phát miễn phí sách tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, trước hết là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể xã hội và cá nhân, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác này.

Các Ban cán sự đảng: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Văn hoá - Thông tin chủ động phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình mới về pháp luật; nghiên cứu, xây dựng kênh truyền hình đại chúng về phổ biến, giáo dục pháp luật, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng hiện có ở các địa phương phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật vào nội dung sinh hoạt, chương trình công tác của các cấp uỷ, tổ chức đảng; lấy kết quả nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ, công chức hằng năm.

Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân theo tinh thần và nội dung Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị (khoá X), kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục công dân, giáo dục thế hệ trẻ, đạo đức công vụ,... để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai chương trình giáo dục pháp luật dành cho cán bộ, công chức các cơ quan trong hệ thống tư pháp, lãnh đạo cán bộ, công chức trong cơ quan gương mẫu thực thi pháp luật, ban hành quy chế kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, tích cực vận động, giáo dục nhân dân tự giác tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tạo thói quen trong việc chấp hành nghiêm pháp luật, đẩy mạnh việc giám sát hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức; kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nơi làm tốt, có cách làm hay, phê phán, uốn nắn những nơi có thiếu sót, khuyết điểm, đưa công tác này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao hơn.

Giao Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này, giúp Ban Bí thư chuẩn bị các nội dung để tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW vào năm 2009.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ ;
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương ;
- Các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương ;
- Lưu Văn phòng Trung ương.

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 74/TB-TW kết luận của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 74/TB-TW
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/05/2007
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản