Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 3 CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP" Ở CẤP TRUNG ƯƠNG
Ngày 03 tháng 01 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" ở cấp Trung ương (sau đây gọi tắt là Đề án). Cùng dự có Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đại diện một số cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức giám định tư pháp và Thành viên Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình thực hiện Đề án, Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số địa phương năm 2012, 2013 của Ban Chỉ đạo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án kết luận như sau:
Nhất trí với những đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Đề án nêu trong dự thảo báo cáo, gồm những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.
Sau Phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo đến nay, việc thực hiện Đề án đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, hoạt động giám định tư pháp đã có tiến bộ đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng và của cá nhân, tổ chức, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án; chậm kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo chưa đạt so với Kế hoạch đã đề ra.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với tổ chức hoạt động giám định tư pháp; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành và địa phương mình.
2. Các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp, việc này phải được hoàn thành trong Quý II năm 2014, cụ thể:
a) Bộ Tài chính
- Soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch;
- Ban hành các thông tư hướng dẫn về: chế độ cấp phát, sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm cho việc chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và các chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp với quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy định về cơ chế cấp phát tài chính bảo đảm cho việc trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp được thông suốt, hiệu quả.
b) Bộ Công an
- Ban hành các thông tư hướng dẫn về: tiêu chuẩn giám định viên thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự; hồ sơ giám định tư pháp, mẫu bản kết luận giám định, văn bản ghi nhận quá trình giám định; điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tối thiểu cho tổ chức giám định kỹ thuật hình sự;
- Chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định; đánh giá việc sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
c) Bộ Y tế
- Hướng dẫn thực hiện Thông tư liên bộ số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để ban hành Bảng tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y;
- Ban hành các thông tư hướng dẫn về: hồ sơ giám định tư pháp, mẫu bản kết luận giám định, văn bản ghi nhận quá trình giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tiêu chuẩn giám định viên thuộc lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho tổ chức pháp y, pháp y tâm thần; chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần;
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy chế phối hợp về công tác pháp y.
d) Các bộ: Y tế, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, ban hành các thông tư hướng dẫn về: quy chuẩn chuyên môn hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn trong thực hiện giám định; hồ sơ giám định tư pháp, mẫu bản kết luận giám định, văn bản ghi nhận quá trình giám định trong lĩnh vực quản lý.
đ) Các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định về điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị của văn phòng giám định tư pháp.
3. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát để xác định những nhiệm vụ cụ thể đã được giao theo Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án, Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp; phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các công việc cụ thể sau:
a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
b) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định của các cơ quan điều tra đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định hoặc tham gia vào hoạt động giám định tư pháp trong Quý II năm 2014; rà soát và bố trí mục chi ngân sách riêng cho công tác giám định tư pháp.
c) Các bộ, cơ quan ngang bộ cần quan tâm, giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết các vụ án còn tồn đọng.
d) Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của Luật giám định tư pháp, đồng thời đề xuất thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực cần thiết, khuyến khích thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực theo quy định của Luật giám định tư pháp.
đ) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai dự án đầu tư, xây dựng trụ sở Viện pháp y quốc gia tại quận Hoàng Mai - Hà Nội.
e) Các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án, Kế hoạch của Chính phủ tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người thực hiện giám định tư pháp; việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
g) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành Báo cáo kết quả thực hiện Đề án; hoàn thiện Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo trình Phó Thủ tướng ký ban hành trong tháng 2 năm 2014; chủ động đề xuất với Ban Chỉ đạo để giải quyết kịp thời những vấn đề cụ thể; tăng cường việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành tổng kết thi hành Chỉ thị số 1958/CT-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận này, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 4 vào Quý IV năm 2014.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 258/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 418/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai thi hành Luật giám định tư pháp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 71/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 896, ngày 11 tháng 02 năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 103/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1092/QĐ-BTP năm 2015 về Kế hoạch tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" do Bộ Tư pháp ban hành
- 1Quyết định 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 258/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 1958/CT-TTg năm 2010 về giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, phiên dịch trong tố tụng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 5Luật giám định tư pháp 2012
- 6Quyết định 1549/QĐ-TTg năm 2012 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 8Thông báo 418/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai thi hành Luật giám định tư pháp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 01/2014/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Thông báo 71/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 896, ngày 11 tháng 02 năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 103/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 1092/QĐ-BTP năm 2015 về Kế hoạch tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" do Bộ Tư pháp ban hành
Thông báo 68/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 68/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/02/2014
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Kiều Đình Thụ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/02/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra