Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG
Chiều ngày 20 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ giải pháp năm 2023. Trước đó, Thủ tướng đã đi thăm cơ sở trồng hoa công nghệ cao Dalat Hasfarm và Ga Đà Lạt. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo do đồng chí Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh trình bày; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Lâm Đồng có vị trí chiến lược khu vực Tây Nguyên với có diện tích lớn thứ 7 cả nước, chất lượng đất đai khá màu mỡ, địa hình đa dạng, tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau, khí hậu ôn hòa với nhiều di sản văn hóa và cảnh quan ấn tượng; lực lượng lao động chiếm tỷ lệ khá cao (60,2% dân số), người dân năng động, sáng tạo và thân thiện; hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống giáo dục đào tạo phát triển. Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với cách làm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và đạt được những kết quả tích cực. Ước đạt 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (trong đó vượt 6 chỉ tiêu) năm 2022; GRDP luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người năm 2021 là 66 triệu đồng, cao nhất vùng Tây Nguyên. GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 14,18%, đứng thứ 7 toàn quốc, ước cả năm đạt 11,84%. Một số vấn đề xã hội kéo dài nhiều năm như họp chợ sai quy định, ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường... đã được giải quyết tốt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền quân và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tuy nhiên, quy mô phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng (chiếm 1,03% quy mô kinh tế cả nước); tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm, chưa trở thành động lực kinh tế của khu vực Tây nguyên; chuyển đổi giống cây trồng có xu hướng chậm lại, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm 5,46% so với cùng kỳ; ngành du lịch chưa phát huy hết tiềm năng, sản phẩm du lịch chất lượng cao còn ít; công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Tình hình đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng và đề nghị Tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
b) Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên bằng bàn tay, khối óc, bằng sức mạnh nội sinh, bằng con người, bằng thiên nhiên, bằng truyền thống lịch sử, văn hóa, bằng các nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư, không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa thế mạnh để phát triển mạnh, bao trùm, xanh, hài hòa, bền vững.
c) Coi trọng an sinh xã hội, chú trọng phát triển đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi. Dứt khoát không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Lâm Đồng phải là động lực, là trung tâm tăng trưởng của vùng Tây Nguyên, nhất là về du lịch, dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao.
d) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến để lan tỏa cho các địa phương khác.
đ) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực hợp lý; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải cách hành chính hơn nữa.
2. Về các giải pháp cụ thể:
a) Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên. Phải xác định Lâm Đồng là động lực, là cực tăng trưởng của Tây Nguyên, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Phát triển du lịch, dịch vụ phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
b) Thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục đào tạo, huy động tối đa nguồn lực sẵn có, nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng như ngành du lịch, dịch vụ, logicstic. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
c) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, kiểm soát tốt thị trường, giá cả.
d) Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước, tăng thu, tiết kiệm chi, phân bổ nguồn lực hợp lý. Phấn đấu tự chủ ngân sách vào năm 2024.
đ) Làm tốt công tác quy hoạch. Thúc đẩy tiến trình đô thị hóa để tạo ra không gian phát triển mới. Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
e) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm (như các tuyến cao tốc: Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương).
g) Nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương và Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.
h) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác công tư. Thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
i) Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. Đảm bảo an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội. Bảo tồn phát huy các giá trị, các công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Tiếp tục chú trọng công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác.
k) Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, góp phần cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
l) Coi trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và nhân dân.
3. Tỉnh ủy Lâm Đồng cần tiếp tục tập trung chỉ đạo:
a) Khẩn trương đẩy nhanh việc lập, trình duyệt Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch vùng Tây Nguyên để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện.
b) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia.
c) Quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm.
d) Kiểm soát thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ.
đ) Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về hỗ trợ vốn cho Dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương:
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai Dự án, (nghiên cứu nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2022) trong quá trình điều hành kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
- Tỉnh Lâm Đồng thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 3394/VPCP-CN ngày 01 tháng 6 năm 2022 để xác định nguồn vốn của Dự án; thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành; trường hợp vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đầu tư, nâng cấp tuyến quốc lộ 27 kết nối giao thông giữa các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng và Ninh Thuận:
Tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh: Đắk Lắk, Ninh Thuận đánh giá tính cấp thiết, nghiên cứu phương án đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, khả năng huy động các nguồn lực trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Đối với các dự án đường cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng), Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và tuyến quốc lộ 55:
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan và địa phương liên quan xây dựng phương án để kêu gọi đầu tư phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 102/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 173/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 365/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 20/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 266/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 338/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Thông báo 19/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo 102/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 173/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 152/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Thông báo 365/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 20/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Thông báo 266/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Thông báo 338/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 19/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 6/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 6/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 11/01/2023
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra