Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5773/TB-SHTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUỐC TỊCH, ĐỊA CHỈ VÀ ĐẠI DIỆN CỦA CÁ NHÂN TRONG THỦ TỤC ĐĂNG KÝ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Quốc tịch và địa chỉ của cá nhân nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp ("Công ước Paris"), và Điều 3 Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ("Hiệp định TRIPS"), cá nhân là người nước ngoài được hưởng sự bảo hộ tại Việt Nam nếu đáp ứng một trong ba điều kiện sau đây tại một nước thành viên của Công ước Paris hoặc Tổ chức thương mại thế giới" ("WTO"): (i) có quốc tịch, hoặc (ii) có nơi thường trú, hoặc (iii) có cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải có thông tin về quốc gia nơi người nộp đơn đáp ứng điều kiện để được hưởng sự bảo hộ.

Mỗi chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ được xác định bằng tên và địa chỉ, do đó địa chỉ của chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ phải hợp pháp và ổn định. Đối với nhãn hiệu, để bảo đảm thi hành các quy định về nhãn hiệu liên kết, chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ phải có một địa chỉ thống nhất.

Vì vậy, chủ đơn là cá nhân phải khai địa chỉ thường trú, với đầy đủ thông tin để xác định được quốc gia nơi thường trú; và phải khai thêm quốc gia thành viên của Công ước Paris hoặc WTO nơi cá nhân đó có quốc tịch hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong trường hợp quốc gia nơi thường trú không phải là thành viên của Công ước Paris hoặc WTO.

2. Cách thức nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài

Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ và điểm 3.2(b) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP , cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam, cụ thể là thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo ủy quyền).

Quy định cách thức nộp đơn thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam nhằm bảo đảm việc giao dịch của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp với chủ đơn không thường trú hoặc không có đại diện tại Việt Nam.

Vì vậy, cá nhân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) đồng thời có quốc tịch nước ngoài mà không thường trú tại Việt Nam phải nộp đơn thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam, cụ thể là thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc thông qua doanh nghiệp do cá nhân đó đầu tư thành lập tại Việt Nam.

3. Ghi nhận quốc tịch của cá nhân có nhiều quốc tịch

Cá nhân có nhiều quốc tịch phải lựa chọn một quốc tịch để làm thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp. Trong quá trình xử lý đơn cũng như sau khi văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp đã được cấp, chủ đơn/ chủ văn bằng bảo hộ có quyền thay đổi lựa chọn về quốc tịch của mình, với điều kiện phải thực hiện thủ tục yêu cầu ghi nhận thay đổi đó theo quy định pháp luật. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được xử lý theo các quy định áp dụng đối với quốc tịch mà người nộp đơn đã lựa chọn.

Trong trường hợp người nộp đơn, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp khai nhiều quốc tịch trong đơn (kể cả đơn đăng ký quốc tế), thì đơn chỉ được xem xét với quốc tịch đầu tiên trong danh mục các quốc tịch./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Cục;
- Các đơn vị: KDCN, SC1, SC2, SC3, NH1, NH2, CDĐL, TTKN, ĐK, VP2, VP3, NCĐT, CNTT;
- TTTT (để đăng tải lên trang tin của Cục);
- Lưu: VT, PCCS.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Hoàng Văn Tân