Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 538/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC TẠI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 20 tháng 11 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đi kiểm tra thực địa các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và họp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự chuyến công tác của Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các nhà thầu, đơn vị tư vấn của các dự án có liên quan. Tại buổi họp với các cơ quan vào chiều ngày 20 tháng 11 năm 2024, sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương trong việc quyết liệt triển khai và hỗ trợ các điều kiện về vật liệu xây dựng, hậu cần, giải phóng mặt bằng để việc triển khai các dự án cơ bản bảo đảm tiến độ; đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng... đã cơ bản bảo đảm cung ứng vật liệu theo tiến độ cho các dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là các Ban quản lý dự án, các nhà thầu và Bộ Giao thông vận tải cần phải rút kinh nghiệm và bám sát tình hình thực tế để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc. Nguồn vật liệu san lấp theo trữ lượng về cơ bản bảo đảm, nhưng việc cung cấp vật liệu theo tiến độ thi công còn chậm; một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang tạm dừng khai thác; tỉnh Vĩnh Long chậm hoàn thành thủ tục tăng công suất các mỏ cát. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần hoàn thành thủ tục cấp mỏ cát cho các dự án trong tháng 10 năm 2024; tuy nhiên, việc triển khai chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Các mỏ cát sông thuộc tỉnh Sóc Trăng có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế. Một số dự án vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; chưa hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (nhất là 17 vị trí đường điện cao thế chưa di dời)...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Các dự án đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là những dự án hết sức quan trọng của đất nước, tạo động lực mới để phát triển vùng. Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các dự án; lưu ý nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai tốt các giải pháp theo quy định của pháp luật để tháo gỡ ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 490/TB-VPCP ngày 26 tháng 10 năm 2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025 phải hoàn thành Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyển cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Bộ Giao thông vận tải
a) Khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp công suất cần thiết phải cung ứng để bảo đảm trữ lượng, chất lượng, công suất thực tế có thể đáp ứng của các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để hỗ trợ phần thiếu nguồn cát sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án chi tiết đường găng, tiến độ cam kết cụ thể trước ngày 30 tháng 11 năm 2024;
b) Cùng các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bám sát công việc, chủ động làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường, tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu cát, sỏi, đá; chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu khẩn trương khắc phục các vi phạm và tổ chức khai thác mỏ cát theo đúng cam kết và đúng quy định của pháp luật.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá toàn bộ trữ lượng cát sông, cát biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ cấp bách nêu trên trong nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định của pháp luật;
b) Cử đoàn công tác hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thực hiện thủ tục để tiếp tục khai thác mỏ đá Antraco trong tháng 11 năm 2024;
c) Hướng dẫn các quy định về môi trường khi sử dụng cát biển trong các môi trường khác nhau (nhiễm mặn, chưa nhiễm mặn, phèn chua...) trong tháng 12 năm 2024;
d) Khẩn trương rà soát, trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong đó cần lưu ý vấn đề về xác định đường triều kiệt tại các đảo nhỏ, vấn đề tăng cường phân cấp trong giao khu vực biển cho các địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”;
đ) Giải quyết kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang[1] trong việc nâng công suất nạo vét, thu hồi khoáng sản của Dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để bảo đảm nguồn cung ứng cho các dự án.
3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lập, làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với các công trình, dự án trên địa bàn; hoàn thành trong Quý 1 năm 2025. Hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định và công bố giá vật liệu khai thác tại các mỏ để cung ứng cho các dự án (nếu cần), đặc biệt là đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tại cuộc họp.
4. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án cao tốc trong tháng 11 năm 2024.
5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xác định ranh giới khu vực biển của các địa phương (trong đó có tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng), phấn đấu hoàn thành trong Quý I năm 2025. Trong thời gian chưa xác định ranh giới khu vực biển giữa các tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ triển khai hoạt động khai thác cát biển tại mỏ B1.3 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác để cung cấp cát cho các dự án cao tốc trọng điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế đặc thù được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
6. Các địa phương có mỏ cát, hoàn thành thủ tục khai thác để cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công, cụ thể:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre hoàn thành thủ tục cấp Bản xác nhận cho các mỏ đã đủ thủ tục trước ngày 30 tháng 11 năm 2024, các mỏ còn lại trong tháng 12 năm 2024;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang khẩn trương xác định nguồn 3,25 triệu m3 còn thiếu theo chi tiêu được giao và hoàn thành thủ tục cấp phép đưa vào khai thác đầu tháng 12 năm 2024;
c) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẩn trương hoàn thành thủ tục nâng công suất 03 mỏ đã cấp cho nhà thầu thi công dự án Cần Thơ - Cà Mau theo đúng thời gian của Bản xác nhận;
d) Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ để cung ứng cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu được giao, dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu và dự án Mỹ An - Cao Lãnh trong tháng 11 tháng 2024.
7. Về một số nội dung cụ thể:
a) Về ý kiến của tỉnh Sóc Trăng liên quan đến khai thác cát tầng sâu tại mỏ cát MS 11 để phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm: Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng căn cứ theo các công cụ mô hình đánh giá tác động môi trường để quyết định theo thẩm quyền. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn Tỉnh trong quá trình thực hiện (nếu cần thiết).
b) Về ý kiến của tỉnh Tiền Giang liên quan đến xác định giá cung cấp cát tại các mỏ thương mại cho dự án cao tốc: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải làm việc với các doanh nghiệp khai thác cát, nhà thầu dự án đường cao tốc để xác định giá các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cấp cho các dự án, bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác, cung ứng cho các dự án và mặt bằng giá thị trường các địa phương trong khu vực trên nguyên tắc công khai, minh bạch, "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" (tham khảo kinh nghiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các địa phương có liên quan);
c) Về kiến nghị của tỉnh Bến Tre[2] liên quan đến thực hiện giao khu vực khoáng sản cho đơn vị thi công các công trình giao thông trọng điểm theo cơ chế đặc thù: Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tham khảo kinh nghiệm triển khai của các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này trong thời gian qua và thực hiện như ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp theo hướng thực hiện giao khu vực khoáng sản cho đơn vị thi công các công trình giao thông trọng điểm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội; trường hợp còn khó khăn, vướng mắc thì làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn xử lý dứt điểm trong tháng 11 năm 2024;
d) Về ý kiến của tỉnh Đồng Tháp liên quan đến khai thác các cồn cát lòng sông để tận thu cát phục vụ cho các dự án đường cao tốc: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;
đ) Đối với việc nạo vét sông Vàm Nao và sử dụng khoáng sản thu hồi để cung ứng cho các dự án đường cao tốc: Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục điều chỉnh công suất nạo vét trên cơ sở tuân thủ yêu cầu kỹ thuật thiết kế của dự án nạo vét, thực hiện tính toán dựa trên mô hình đánh giá tác động môi trường để xác định khối lượng khoáng sản còn có thể thu hồi; chủ động nâng công suất nạo vét phù hợp để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội, ưu tiên cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau để hoàn thành vào năm 2025;
e) Về ý kiến của tỉnh Kiên Giang liên quan đến bố trí kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm trước ngày 15 tháng 12 năm 2024;
g) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương nghiên cứu, hỗ trợ nguồn cát san lấp tại địa phương (bao gồm cả cát sông và cát biển) để phục vụ cho các dự án trọng điểm trong vùng, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trong tháng 11 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án: (i) yêu cầu nhà thầu bám sát công việc, chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường; tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu cát, sỏi, đá; (ii) nghiên cứu sử dụng cát biển tại các khu vực, phạm vi phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường nhằm giảm áp lực về cát sông; (iii) tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản của các nhà thầu, chỉ đạo nhà thầu thực hiện nghĩa vụ thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định của pháp luật.
9. Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong Vùng, nhất là các địa phương có nguồn vật liệu san lấp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu; không để chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
- 2Nghị định 11/2021/NĐ-CP về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển
- 3Nghị quyết 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ do Quốc hội ban hành
- 4Thông báo 490/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 538/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 538/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 01/12/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra