VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 525/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠN BÃO SỐ 12 NĂM 2017
Ngày 6 tháng 11 năm 2017, tại Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017. Cùng dự tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đại diện các Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; tại đầu cầu các địa phương có Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 12 gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận và Đắk Lắk.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ý kiến của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phát biểu của các địa phương bị ảnh hưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận, chỉ đạo như sau:
1. Về công tác ứng phó
Bão số 12 đổ bộ đất liền nước ta vào sáng ngày 04 tháng 11 năm 2017 với phạm vi ảnh hưởng rộng, gió giật trên cấp 12-13 đồng thời gây mưa lớn, đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của nhân dân các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Tại các địa phương từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, gây ngập lụt nghiêm trọng, chia cắt cục bộ tại nhiều nơi. Lũ trên một số sông xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp của các địa phương, các lực lượng vũ trang đã tập trung chỉ đạo và quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với bão; hệ thống phòng chống thiên tai từ Trung ương tới cơ sở được phát huy, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc; công tác ứng phó chủ động, kịp thời, phương châm “bốn tại chỗ” được người dân và toàn hệ thống chính trị tự giác nhận thức và hành động góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến những gia đình có thân nhân bị chết và mất tích; thăm hỏi ân cần và động viên gia đình bị thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua.
2. Một số nhiệm vụ cấp bách thời gian tới
a) Các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, kịp thời tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác đến tận tay người dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói, không nơi trú ngụ; phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động sử dụng nguồn dự phòng để hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Các địa phương diễn ra sự kiện APEC lưu ý việc bảo đảm môi trường vệ sinh an toàn, sạch sẽ.
b) Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu V huy động bộ đội và phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau bão, lũ; trước hết, ưu tiên hỗ trợ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, vệ sinh đường phố, sửa chữa trường học...
c) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an địa phương bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sau bão, lũ không để tình hình phức tạp xảy ra; nhất là đối với khu vực diễn ra các sự kiện đối ngoại.
d) Bộ Công Thương chỉ đạo việc theo dõi sát mực nước của các hồ thủy điện, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động tất cả các khả năng, khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; đồng thời bảo đảm các hàng hóa thiết yếu, không để lợi dụng thiên tai tăng giá bất thường.
đ) Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, hư hỏng, khẩn trương thông tuyến và bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường sắt; hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
e) Bộ Y tế hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng, các hóa chất cần thiết; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở triển khai khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhất là đối với khu vực diễn ra sự kiện APEC.
g) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo chuẩn bị đủ giống cây trồng, vật nuôi, nhất là cây trồng vụ Đông hỗ trợ người dân bị thiệt hại; phối hợp với các địa phương khẩn trương khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống và chuẩn bị Tết cho nhân dân.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát các hồ đập thủy lợi xung yếu, xây dựng phương án, kế hoạch sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn vốn, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch khắc phục cụ thể.
- Phối hợp với các địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có kế hoạch di dời bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
h) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến thiên tai.
i) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tổ chức, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.
k) Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ được giao, chủ động cử lực lượng trực tiếp xuống cơ sở, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 12, kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân.
Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, chủ động triển khai các phương án, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.
3. Về kiến nghị của các địa phương
a) Về đề xuất hỗ trợ gạo của các địa phương
Đồng ý hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân vùng bị ảnh hưởng do bão số 12 và mưa lũ vừa qua. Trước mắt hỗ trợ những địa phương bị thiệt hại nặng khoảng 500 tấn (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế...), địa phương bị thiệt hại nhẹ khoảng 100 tấn đến 200 tấn. Ủy ban nhân dân các địa phương bị thiệt hại khẩn trương rà soát, thống kê số lượng, xác định nhu cầu làm cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện theo quy định.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình thiếu đói ở các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định.
b) Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại do bão lũ, chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan rà soát, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án hỗ trợ ngay cho các địa phương bị thiệt hại nặng để cùng với nguồn kinh phí của địa phương khắc phục các hậu quả như kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Báo cáo số 1037/BC-BYT về tình hình thiệt hại về y tế và công tác phòng, chống khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 6 do Bộ Y tế ban hành
- 2Công điện 02/CĐ-BTTTT về công tác phòng, chống bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Thông tin và Truyền thông điện
- 3Công điện 988/CĐ-BYT năm 2014 triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Bộ Y tế điện
- 4Thông báo 313/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp đánh giá thiệt hại ban đầu, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Báo cáo số 1037/BC-BYT về tình hình thiệt hại về y tế và công tác phòng, chống khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 6 do Bộ Y tế ban hành
- 2Công điện 02/CĐ-BTTTT về công tác phòng, chống bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Thông tin và Truyền thông điện
- 3Công điện 988/CĐ-BYT năm 2014 triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Bộ Y tế điện
- 4Thông báo 313/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp đánh giá thiệt hại ban đầu, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 525/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 525/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 10/11/2017
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/11/2017
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định