Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 503/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2017 |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 9 năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành 01 cuộc kiểm tra thực tế việc thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại thành phố Hải Phòng (kiểm tra thực tế tại Cục Hải quan Hải Phòng, điểm KTCN của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Thú y vùng 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP đầu tư phát triển cảng Đình Vũ) và 03 cuộc kiểm tra chuyên đề tại các Bộ quản lý chuyên ngành và địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, gồm: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Tổ công tác đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 9 của Tổ công tác tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Sau khi nghe Báo cáo của Tổ công tác và ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với Báo cáo của Tổ công tác và cho ý kiến kết luận như sau:
Trong thời gian vừa qua, Tổ công tác đã rất chủ động và quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thông qua các buổi kiểm tra, Tổ công tác đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được của bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, dư luận quan tâm, bức xúc để kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, cơ quan, địa phương, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chính phủ ghi nhận sự chủ động, quyết liệt của Tổ công tác. Các cuộc kiểm tra chuyên đề tháng 9 của Tổ công tác đối với các bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được triển khai rất rất khoa học, bảo đảm tính khách quan, trung thực, nêu được cụ thể những bất cập, tồn tại, yếu kém của công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gây phiền hà, tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, sau cuộc kiểm tra của Tổ công tác, các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những động thái tích cực, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ mình tiến hành rà soát, cắt giảm thủ tục, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, như, thu hẹp danh mục hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm... nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
II. ĐỐI VỚI CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỔ CÔNG TÁC
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các kiến nghị của Tổ công tác đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Cụ thể:
1. Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương:
Chấn chỉnh việc ban hành các văn bản (văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền) chồng chéo, tạo ra thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp (như một dạng giấy phép con), mang tính co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, gây khó khăn, tác động tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
2. Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành
- Nghiêm túc thực hiện các nội dung đã nêu tại Thông báo 685/TB-TCTTTg ngày 31 tháng 8 năm 2017.
- Khẩn trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải KTCN kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ mình, cắt giảm, thu hẹp tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN (có số liệu cắt giảm cụ thể). Việc cắt giảm, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành bảo đảm thực chất, kiên quyết cắt giảm, thu hẹp những danh mục hàng hóa phải KTCN còn gây khó khăn, tốn kém chi phí;
- Khẩn trương rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo giữa Bộ mình với các Bộ khác, bị KTCN bởi nhiều cơ quan khác nhau và bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục KTCN (từ 2 thủ tục trở lên), cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành đề xuất giải pháp khắc phục và báo cáo Tổ công tác trước 15 tháng 11 năm 2017 (đồng thời gửi báo cáo cho Bộ Tài Chính).
- Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa và công bố công khai các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ mình, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, thuận tiện cho việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin.
- Minh bạch hóa quản lý, KTCN: Tối thiểu hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra tại thời điểm thông quan; rà soát để thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017 theo Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...); đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để lập hồ sơ thông tin doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến KTCN để phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, qua đó xác định hình thức, phương pháp KTCN phù hợp.
- Hiện đại hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Điện tử hóa thủ tục; đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
3. Đối Với Văn phòng Chính phủ
Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong KTCN theo hướng giao một Bộ quản lý chuyên ngành làm đầu mối, chủ trì thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng đang bị kiểm tra chuyên ngành bởi nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau, bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục (từ hai thủ tục trở lên).
4. Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra
a) Đối với Bộ Y tế
- Khẩn trương rà soát và quyết liệt cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương: (1) tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giảm số lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành so với hiện nay; (2) rà soát, sửa đổi các quy định về KTCN đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng áp dụng kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ) đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cùng loại sản phẩm, xuất xứ mà có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp. Chuyển sang hậu kiểm đối với thực phẩm thông thường, chỉ tiến hành KTCN tại khâu thông quan đối với một số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Khẩn trương xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng công tác KTCN; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chuyển các quy định về ATTP theo tiêu chuẩn Codex (hiện đang được các văn bản trong nước quy định về các mức giới hạn ATTP) thành các quy chuẩn kỹ thuật.
- Áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm đối với toàn bộ danh mục hàng hóa về thiết bị y tế, dược và mỹ phẩm như đã cam kết với Tổ công tác.
- Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, như bãi bỏ quy định liên quan tại Thông tư 19/2012/TT-BYT về công bố hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra ATTP; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra ATTP như: hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu tặng nhập khẩu trong định mức miễn thuế, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu...
- Về việc kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i ốt. Dù trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị kiểm tra nhưng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I ốt theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để không gây bức xúc cho doanh nghiệp và các Hiệp hội chế biến thực phẩm.
b) Đối với Bộ Công Thương
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt cho vấn đề thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, bảo đảm thu hồi tối đa giá trị do nhà nước đầu tư; đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành Công Thương, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Khẩn trương rà soát chuẩn hóa lại mã số HS của các hàng hóa trong Danh mục hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BCT theo phiên bản 2017 tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính; khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa có mã số HS thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, hàng hóa không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tạo sự thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
- Khẩn trương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chuẩn Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa có quy chuẩn hoặc quy chuẩn không phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý/kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau.
- Tiếp tục chủ trì và đôn đốc các Bộ liên quan ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan kèm mã số HS theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP để hạn chế vướng mắc; đồng thời khẩn trương tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý ngoại thương.
c) Đối với Bộ Tài chính
- Chỉ đạo cơ quan hải quan nói chung và Cục Hải quan Hải Phòng nói riêng tiếp tục cải cách toàn diện, mạnh mẽ trong việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến ngành hải quan; áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin kịp thời, thường xuyên giữa cơ quan hải quan với các Bộ quản lý chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Tiếp tục có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng, đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, cán bộ ngành hải quan; khắc phục triệt để hiện tượng tiêu cực, “phí bôi trơn” còn xảy ra trong ngành hải quan như báo chí đã nêu và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu doanh nghiệp, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như con người để nâng cao hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu và trả kết quả ngay tại các địa điểm này, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan tại cửa khẩu.
- Tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành để thống nhất đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường.
d) Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế phải song hành với các giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh thành phố có nhiều dự án đầu tư, nhiều nhà máy; tập trung, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không tuân thủ nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường theo đúng chỉ đạo của TTg Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016.
- Thành phố Hải Phòng cần quan tâm tới công tác quy hoạch; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa mang tính bền vững, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm; có giải pháp trong việc cân đối quỹ đất hợp lý với tốc độ phát triển của đô thị loại I, với định hướng dành 70% quỹ đất cho đô thị; đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đô thị và có giải pháp quyết liệt giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm giao cắt trên các quốc lộ 10, quốc lộ 5, tuyến đường 353... thường có mật độ phương tiện qua lại dày đặc, lưu lượng xe đầu kéo ngày càng tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét, điều chỉnh lại mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đảm bảo hợp lý, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn thu để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường quốc lộ và các chi phí dịch vụ công ích, báo cáo, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét quyết định tại cuộc họp gần nhất.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 414/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 460/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Quyết định xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 849/TB-TCTTTg ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 9 năm 2017 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
- 4Quyết định 54/QĐ-TCT66 năm 2018 về Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- 1Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 2Thông tư 19/2012/TT-BYT hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 3Nghị định 187/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
- 4Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2016 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 04/2017/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Quản lý ngoại thương 2017
- 7Thông tư 29/2016/TT-BCT sửa đổi Thông tư 41/2015/TT-BCT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương
- 8Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 65/2017/TT-BTC Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10Thông báo 414/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 460/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Quyết định xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Thông báo 849/TB-TCTTTg ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 9 năm 2017 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
- 13Thông báo 685/TB-TCTTTg về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 8 năm 2017 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
- 14Quyết định 54/QĐ-TCT66 năm 2018 về Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thông báo 503/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 9 năm 2017 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 503/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 25/10/2017
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra