Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/TB-UB

 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 7 năm 1977

 

THÔNG BÁO

VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Vấn đề quản lý thị trường là vấn đề lớn, phải gắn liền với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, thương nhân nói chung và giai cấp tư sản thương nghiệp nói riêng đều chưa được cải tạo nên họ còn nắm được tiền, hàng, từ đấy họ còn lợi dụng được cơ hội để lũng đoạn thị trường, như lợi dụng tình hình sản xuất của ta chưa phát triển, cung cầu chưa cân đối để đầu cơ nâng giá, làm hàng giả, v.v..., trước mắt là làm giả những mặt hàng thiết yếu đến đời sống và sản xuất công, nông nghiệp. Đúng như báo cáo của Sở Thương nghiệp, Ủy ban Vật giá và bổ sung của các quận.

Thời gian qua, khi nào có sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý thị trường thì có thu được kết quả tốt, điều đó thể hiện rõ trong những ngày lễ, Tết của năm 1975, 1976.

Gần đây do hoàn cảnh công tác, nhiều lúc ta lơi việc chỉ đạo quản lý thị trường nên mặt tiêu cực của thị trường lại càng tăng thêm.

Để tiếp tục đấu tranh với những mặt tiêu cực đó, công tác quản lý thị trường cần được chỉ đạo tập trung, thực hiện chặt chẽ và thường xuyên liên tục trên cơ sở thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4 và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố.

Tiếp tục đấu tranh quản lý thị trường đồng thời với cải tạo, hai nhiệm vụ này phải gắn chặt với nhau và để có sự thống nhất trong nhận thức và thực hiện, cần :

1) Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị 147/TTg và 145/TTg của Thủ tướng Chính phủ để cân bằng ba mặt : tiền, hàng và thu chi ngân sách. Phát huy tác dụng 3 mặt này, làm cho hàng hóa trong khu vực quốc doanh, hợp tác xã cũng như của tư nhân (kể cả hàng tồn kho của tư nhân qua khai trình đăng ký kinh doanh) vào một mối là thương nghiệp Nhà nước. Có như vậy mới tạo được cơ sở để đấu tranh về mặt giá cả, mà đấu tranh giá cả thì rất phức tạp, vì vậy thương nghiệp Nhà nước phải nắm được hàng hóa để có kế hoạch tổ chức phân phối cho đúng chính sách, đúng đối tượng, từ chỗ kềm giá, giữ giá không cho tăng lên rồi từng bước kéo giá xuống. Vấn đề niêm yết giá cũng là vấn đề cần phải xem xét.

2) Cần phải quán triệt chỉ thị 146/TTg ngày 5-6-1974 của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Lê Thanh Nghị ký.

- Đề nghị Ban Tuyên huấn nghiên cứu kế hoạch triển khai học tập ở các cấp, các ngành.

- Ban Pháp chế của Ủy ban sẽ cụ thể hóa thành một bản chỉ thị của thành phố để chỉ đạo thực hiện chỉ thị 146/TTg cho phù hợp với tình hình của thành phố.

Trong khi chờ đợi cụ thể hóa chỉ thị 146/TTg, Ủy ban nhất trí cho thực hiện việc phân cấp xử lý và mức độ xử lý mà trong chỉ thị 146/TTg đã quy định ở điều 5, 6 và 7.

3) Về chợ trời :

Ở từng quận cần có kế hoạch gom chợ trời lại ở một khu vực nhất định để có điều kiện kiểm soát và quản lý được. Biện pháp gom là kết hợp giáo dục với hành chánh.

Trong tháng 7-1977, các quận phải thực hiện xong và có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố về phương hướng giải quyết cụ thể mặt hàng và đối tượng.

4) Về lương thực, phương hướng chung là :

- Cần quản lý nội bộ cho chặt chẽ, chống thất thoát ra ngoài.

- Việc phân phối cần thực hiện đúng đối tượng, trước hết là công nhân, lao động, gia đình nghèo, gia đình liệt sĩ, cách mạng, cô đơn, gia đình cán bộ.

- Đối với thương nhân cần phải đăng ký với chánh quyền quận, được chánh quyền phường và các đoàn thể thường xuyên giáo dục giám sát việc bán gạo. Phát động quần chúng giám sát, phát hiện những tên gian thương đầu cơ nâng giá và kiên quyết có biện phát trừng trị thích đáng.

Một số biện pháp cụ thể :

a) Sở Lương thực tiến hành ngay việc khấu hao tỷ lệ khoai sùng như đề nghị của Sở Thương nghiệp. Như vậy vừa giải quyết nhanh gọn và hợp tình, hợp lý - việc khấu hao cần được thông báo rõ ràng, từng đợt tùy theo tỷ lệ khoai đã mất phẩm chất.

b) Sở Lương thực sẽ thông báo những địa phương mà có thể cho các hợp tác xã tiêu thụ đi khai thác để hỗ trợ việc giải quyết lương thực đang có khó khăn. Sở Thương nghiệp sẽ căn cứ vào đó để tổ chức cho các hợp tác xã đi khai thác ở ngoài thành phố. Không được mua ở ngoại thành.

c) Về rượu lậu : nghiêm cấm việc nấu rượu lậu, mua bán, vận chuyển rượu lậu. Đối với nhân dân cần thiết sử dụng khi có đám cưới, đám ma, v.v... cũng chỉ nấu trong phạm vi cần thiết với tinh thần hết sức tiết kiệm lương thực.

d) Việc chế biến lương thực như bún, bán tráng, bánh phở cũng cần được hạn chế đến mức tối đa, cần thực hiện từng bước và cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn từng lò.

Ngoài ra, đối với các ngành heo, cá biển, lò bánh mì, thực hiện như đề nghị của Sở Thương nghiệp thành phố.

Để cho việc chỉ đạo công tác quản lý thị trường được tập trung, chặt chẽ và thường xuyên liên tục, các Ban Quản lý thị trường Thành phố, quận, huyện phải được củng cố lại.

Ban Quản lý thị trường Thành phố gồm các đồng chí lãnh đạo các ngành sau đây :

- Ủy ban nhân dân Thành phố,

- Sở Thương nghiệp Thành phố,

- Sở Công an (bảo vệ kinh tế),

- Sở Thuế,

- Ủy ban Vật giá,

- Ủy ban Thanh tra,

- Bộ Tư lệnh Thành,

- Mặt trận Tổ quốc (bộ phận công thương),

- Thành Hội phụ nữ,

- Sở Y tế,

- Sở Lương thực.

Đồng chí Trần Tấn, Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp làm trưởng ban (các ngành cần báo cáo danh sách tham gia Ban quản lý thị trường về Ủy ban nhân dân Thành phố chậm nhất là ngày thứ ba, 19-7).

Sinh hoạt thuờng kỳ của Ban vào chiều thứ bảy hàng tuần, và mời Quận 1, Quận 5 về dự. Đối với các quận, huyện khác nếu thấy cần có thể về dự.

Sinh hoạt hàng tháng của Ban vào chiều thứ bảy của tuần cuối tháng, mời các quận, huyện về dự đầy đủ.

Ủy ban nhân dân quận, huyện cần củng cố lại Ban quản lý với các thành phần trên và do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phụ trách tài mậu làm Trưởng ban.

Đối với các đội kiểm soát kinh tế, cần được củng cố tăng cường cho đủ biên chế, đảm bảo chất lượng và quận, huyện nào chưa có, cần tiến hành tổ chức ngay, và các ngành công an, thuế, cần cử người phối hợp như đề nghị của Sở Thương nghiệp Thành phố.

Để đảm bảo việc thực hiện chính sách quản lý thị trường được đúng đắn, các ngành thương nghiệp, công an, thuế và Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần phải tổ chức kiểm tra thường xuyên những đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý thị trường để uốn nắn kịp thời những sai sót.

Sở Thông tin văn hóa có trách nhiệm nghiên cứu, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách quản lý thị trường của Đảng và Nhà nước để cho mọi người đều thông suốt, đồng tình, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thị trường thực hiện được tốt và có hiệu quả.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 50/TB-UB về quản lý thị trường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 50/TB-UB
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 22/07/1977
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/07/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản