Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 489/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2017 |
Ngày 15 tháng 10 năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trực tiếp thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa. Tham gia đoàn công tác có đại diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành. Sau khi thị sát tình hình, nghe báo cáo của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận, chỉ đạo như sau:
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, lũ lớn. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tổng lượng mưa phổ biến từ 300 - 400 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Bát Mọt 604 mm, Lý Nhân 499 mm, Cửa Đạt 478 mm, Bái Thượng 421 mm. Mực nước các sông dâng cao, đỉnh lũ tại trạm thủy văn Cẩm Thủy trên sông Mã là 21,05 m, trên báo động 3 là 0,85 m; tại trạm thủy văn Lèn trên sông Lèn là 6,57 m, trên báo động 3 là 1,07 m; tại trạm thủy văn Xuân Vinh trên sông Cầu Chày là 10,91 m, trên báo động 3 là 0,91 m. Một số điểm trên đê tả sông Chu, đê hữu sông Mã, đê hữu sông Cầu Chày... bị sạt lở, vỡ, nứt mặt đê. Đặc biệt, một số tuyến đê đã bị tràn, vd như: đê hữu sông cầu Chày xã Định Tăng, huyện Yên Định, đê tả sông cầu Chày xã Yên Tâm, huyện Yên Định, xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân, đê sông Mậu Khê, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, toàn bộ các tuyến đê bao, đê bối của huyện Nông Cống, đã gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan ở trung ương và địa phương, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng quân đội, công an của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc; phương châm “bốn tại chỗ” được người dân và toàn hệ thống chính trị tự giác nhận thức và hành động; công tác ứng phó chủ động, kịp thời, sáng tạo.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ; bảo đảm an toàn công trình hồ chứa khu vực thượng du, hệ thống đê biển; chủ động sơ tán 18.500 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; kịp thời khắc phục hậu quả, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân; biểu dương Giám đốc Công ty miền Tây dám hy sinh tài sản để ngăn lũ, bảo vệ đê và tính mạng, tài sản nhân dân.
2. Một số nhiệm vụ cấp bách thời gian tới
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, nguy cơ mưa lớn vẫn còn do ảnh hưởng của cơn bão số 11 và các cơn bão tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo, thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, không được lơ là, chủ quan; tiến hành tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều, hồ chứa nhất là tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, nứt, thẩm thấu, vỡ; duy trì nghiêm lực lượng ứng trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó với mọi tình huống, diễn biến bất thường của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch; chủ động sử dụng kinh phí dự phòng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống, đặc biệt là các gia đình chính sách, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu đói; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, khắc phục thiệt hại.
Làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả mưa, lũ.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các tuyến quốc lộ; kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
- Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; chỉ đạo cung ứng hàng hóa thiết yếu, củng cố, tổ chức lại thị trường nông sản để khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
- Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 4 bố trí lực lượng quân đội hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau bão, lũ, tập trung hỗ trợ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, vệ sinh đường phố, sửa chữa trường lớp, sơ tán nhân dân khi cần thiết...
- Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn sau bão, lũ, không để tình hình phức tạp xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
- Bộ Y tế hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở triển khai lực lượng tổ chức khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
3. Về các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa
- Về đề xuất bố trí kinh phí ngân sách Trung ương để hỗ trợ các gia đình có gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập do mưa lũ, hỗ trợ một số giống cây trồng để khôi phục sản xuất cho vụ Đông năm 2017 - 2018: Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, tổng hợp số liệu thiệt hại gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xem xét xử lý; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.
- Về đề xuất hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa 280 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các tuyến đê và các công trình giao thông bị hư hỏng, bao gồm đê tả sông Chu xã Thọ Minh và xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân; đê sông Chu xã Thọ; đê hữu sông Yên, huyện Nông Cống; đê sông Hoàng, huyện Nông Cống; đê tả sông cầu Chày, xã Yên Giang, huyện Yên Định: giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng hợp, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm đề xuất phương án xử lý, đặc biệt đối với các đoạn đê xung yếu, có nguy cơ vỡ, mất an toàn cao.
- Về đề nghị bổ sung danh mục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thanh Hóa một số dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đê sông sông Chu: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về đề nghị cho chủ trương lập dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê hữu sông Cầu Chày, đê sông Hoạt và đê sông Thị Long từ nguồn vốn ODA: ghi nhận và ủng hộ đề xuất của tỉnh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với tỉnh và tìm kiếm, huy động nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Công điện 1644/CĐ-TTg về việc tập trung chỉ đạo công tác chống lũ và khắc phục hậu quả mưa, lũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công điện 77/CĐ-BGTVT năm 2013 khắc phục hậu quả đợt mưa, lũ tại tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông báo 480/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 6170/BNN-TCTL về tình hình lũ năm 2018 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Công điện 1644/CĐ-TTg về việc tập trung chỉ đạo công tác chống lũ và khắc phục hậu quả mưa, lũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công điện 77/CĐ-BGTVT năm 2013 khắc phục hậu quả đợt mưa, lũ tại tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông báo 480/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 6170/BNN-TCTL về tình hình lũ năm 2018 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông báo 489/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 489/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/10/2017
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra