Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 453/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (Đề án) về dự thảo Đề án. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bí thư Thành ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận như sau:
1. Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vấn đề khó, phức tạp, vấn đề mới tại Việt Nam. Đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 02 Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án và các tài liệu liên quan để thảo luận cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
2. Thống nhất cao về chủ trương, sự cần thiết xây dựng Đề án để thể hóa yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị (bao gồm: dự thảo Tờ trình, Báo cáo trình Bộ Chính trị, dự thảo Đề án, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan), bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, đơn giản, dễ hiểu, có số liệu chứng minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trước ngày 05 tháng 10 năm 2024 cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện trước khi Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Bộ Chính trị theo quy định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Xây dựng Đề án trên cơ sở tiếp cận đơn giản, nhanh, hiệu quả, xuất phát từ năng lực nội sinh, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng nói riêng; trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội.
b) Xác định rõ các mục tiêu của Đề án, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ khác để phục vụ cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và cả nước. Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi, đối tượng của Đề án, bảo đảm phù hợp với năng lực nội sinh, tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.
c) Xác định mô hình, cách thức hình thành và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn, chắt lọc kinh nghiệm tốt của quốc tế và căn cứ vào đặc điểm cụ thể của Việt Nam, phù hợp với văn hóa, thể chế chính trị, nguồn lực và điều kiện thực tiễn của nước ta tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.
d) Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, quản lý trung tâm tài chính; trong đó xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo (do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu), cơ quan quản lý Trung tâm tài chính, bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị của nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất, liên tục, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các thành phố trong việc điều hành hoạt động của Trung tâm tài chính và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương.
đ) Xác định các yêu cầu về cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhất là về điện, nước, viễn thông, bất động sản văn phòng, đất đai... để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp.
e) Xác định các yêu cầu về nguồn lực cần thiết để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (số lượng, trình độ) tương ứng với từng giai đoạn; trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
g) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù (về thuế, lao động, visa, xuất nhập cảnh, tài chính, ngân hàng, giấy phép lao động...) để khuyến khích, thu hút và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các định chế tài chính... nhằm huy động hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm các nguồn lực tài chính cho phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững, hội nhập; trong đó lưu ý các cơ chế, chính sách hướng đến tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Phân tích, đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách, xác định các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của Việt Nam để báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương thực hiện.
h) Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa sau khi Bộ Chính trị cho chủ trương: thống nhất trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội.
i) Rà soát kỹ, hoàn thiện các nội dung xin ý kiến Bộ Chính trị; trong đó cần xin ý kiến Bộ Chính trị cho chủ trương về: (i) chủ trương xây dựng 02 trung tâm tài chính (gồm: Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng); (ii) mô hình tổ chức, quản lý gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, quản lý, giám sát hoạt động của trung tâm tài chính; (iii) chủ trương về các cơ chế, chính sách đặc thù (về thuế, lao động, visa, xuất nhập cảnh, tài chính, ngân hàng, ưu đãi thu hút nhân lực chất lượng cao...), giao Chính phủ trình Quốc hội quy định khung chính sách, trên cơ sở đó Chính phủ ban hành chính sách cụ thể để triển khai thực hiện, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; (iv) huy động cả nguồn lực của nhà nước và ngoài nhà nước để tổ chức thực hiện; (v) Tổ chức thực hiện: có Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, đồng thời phân cấp phân quyền cho 2 thành phố trong quản lý, điều hành; thời gian thực hiện trong 05 năm rồi tổng kết, đánh giá; những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
4. Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan, 02 thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để khẩn trương hoàn thiện Đề án, hồ sơ trình Bộ Chính trị theo yêu cầu tại Điểm 3 trên, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
5. Phân công Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị về Đề án.
6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 1160/QĐ-TTg năm 2023 về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 11711/BTC-ĐT năm 2023 về Dự thảo đề cương Đề án xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 2059/QĐ-BKHĐT năm 2023 về Quy chế hoạt động của Tổ Công tác xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Thông báo 453/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự thảo Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 453/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 04/10/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Thị Thu Vân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra