Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 441/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP BÁO CÁO DỰ ÁN ĐẦU TƯ “NÂNG CẤP TUYẾN KÊNH CHỢ GẠO”

Ngày 26/9/2009, tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo”. Tham dự cuộc hợp gồm có lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị tham mưu của Bộ: Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ KHCN, Vụ Vận tải, Vụ KCHT, Vụ MT, Cục QLXD&CLCTGT; Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Chủ đầu tư), Ban Quản lý các dự án Đường thủy; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình thủy bộ (Tư vấn lập Dự án); Trung tâm ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ xây dựng cảng - đường thủy thuộc Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam (tư vấn thẩm tra Dự án).

Sau khi nghe Ban Quản lý các dự án đường thủy trình bày nội dung giải trình các ý kiến tham gia về Báo cáo cuối kỳ Dự án đầu tư “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” của các Bộ, ngành, địa phương; các cơ quan tham mưu của Bộ; ý kiến của Tư vấn thẩm tra, Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam và các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:

1. Về nội dung báo cáo đầu tư

- Dự án đầu tư “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống giao thông thủy phía Nam vì đây tuyến duy nhất nối sông Vàm Cỏ với Sông Tiền; có khối lượng vận tải hàng hóa chiếm 65%-70% thị phần vận tải trong khu vực; là tuyến gom vận tải hàng hóa của các tuyến đường thủy trong vùng.

- Trong những năm vừa qua, ngành GTVT chưa có điều kiện xem xét đầu tư mở rộng tuyến kênh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt năm 2008, năm 2009, việc ùn tắc liên tục xảy ra do lưu lượng hàng hóa ngày càng tăng cao cùng với sự gia tăng về qui mô, kích thước của đoàn tàu, đoàn sà làn, xuất hiện tàu có trọng tải ≥ 1000 DWT lưu thông trên tuyến. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, liên kết giao thông thủy với Thành phố Hồ Chí Minh thì việc đầu tư Dự án này là cần thiết.

- Cho đến nay, tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia được hỏi ý kiến đều đồng thuận về chủ chương đầu tư (17/17 ý kiến); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao việc cải tạo tuyến kênh để nâng cao năng lực giao thông thủy kết hợp việc thoát lũ cho khu vực. ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thuộc Bộ đã được Chủ đầu tư, Tư vấn giải trình kỹ và khoa học.

+ Việc cần thiết nâng cấp, mở rộng tuyến kênh đạt cấp II kỹ thuật (B=80m) là không thay đổi.

+ Việc cắt cong, đổ đất nạo vét đã được giải trình.

+ Về vấn đề lưu lượng, lưu tốc dòng chảy; vấn đề nhiễm mặn; việc chia cắt cộng đồng được giải trình thỏa đáng.

+ Tổng mức đầu tư, xử lý kè bờ, cơ đê được giải trình đúng mức.

+ Các vấn đề có liên quan đến kỹ thuật được giải quyết thỏa đáng.

2. Về triển khai các thủ tục tiếp theo

- Giao Vụ Kế hoạch Đầu tư: Thẩm định và trình Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” trong tháng 10/2009; có văn bản xin ý kiến Ban chỉ đạo miền Tây Nam Bộ trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý cho Dự án của các Bộ, ngành, các nhà khoa học và Báo cáo giải trình của Tư vấn.

- Về nguồn vốn: giao Vụ KHĐT có văn bản báo cáo Thủ tưởng Chính phủ xem xét nguồn vốn cho Dự án; bố trí vốn để tổ chức cắm cọc GPMB ngay sau khi Dự án được phê duyệt để giao cho địa phương và thực hiện GPMB đồng bộ với giai đoạn thiết kế kỹ thuật để có mặt bằng thi công sau khi đấu thầu.

- Một số lưu ý trong bước thiết kế kỹ thuật:

+ Yêu cầu tiến hành khảo sát địa hình, địa chất đầy đủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó xác định chính xác các vị trí kè bảo vệ chống xói lở dọc tuyến kênh Chợ Gạo, phen và tạp chất khác nếu có.

+ Phân chia các gói thầu hợp lý theo tiến độ, trong đó cần có giải pháp tổ chức đảm bảo giao thông thủy cho từng gói thầu trong công tác điều tiết giao thông toàn bộ dự án.

+ Giảm thiểu tối đa vận chuyển đất nạo vét bằng đường thủy để không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và ách tắc giao thông thủy; giải phóng đền bù thêm diện tích để tập trung đổ đất nạo vét, thu hồi tài sản sau Dự án. Đất nạo vét thu hồi có thể được giao cho Cục Đường bộ Việt Nam sử dụng làm cơ sở hạ tầng hoặc giao chính quyền địa phương làm quĩ đất theo quy định.

+ Có kế hoạch quản lý, giám sát môi trường cụ thể, chi tiết trong quá trình thi công.

- Cần bổ sung thêm về sự cần thiết phải đầu tư Dự án; kích thước luồng, cắt cong, lợi ích của đất đào được khi cắt cong.

3. Về tiến độ dự án: Hoàn thành trong 04 năm, kể từ ngày khởi công.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr Ngô Thịnh Đức (để b/c);
- Các đơn vị dự họp;
- Lưu VT, KHĐT (05).


TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 441/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp báo cáo dự án đầu tư “nâng cấp tuyến kênh chợ Gạo” do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 441/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 02/10/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/10/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản