Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 428/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ VỀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TẠI MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG BOT

Ngày 13 tháng 10 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận như sau:

1. Việc sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập tại các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; đồng thời, khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn lực xã hội tham gia các dự án PPP trong giai đoạn tới, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Về nguyên tắc, việc xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT phải bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tuân thủ hợp đồng đã ký kết và đúng quy định pháp luật.

2. Trong thời gian vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các địa phương, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông; đã đề xuất nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, bất cập đối với các dự án BOT giao thông nói chung và giải pháp cụ thể xử lý đối với 08 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý theo 02 phương án: (i) bổ sung vốn nhà nước tham gia để tiếp tục thực hiện hợp đồng; (ii) chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư. Về cơ bản thống nhất với nguyên tắc, giải pháp xử lý như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

3. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm toán và giám sát của Quốc hội và đặc biệt là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký Hợp đồng, cần tiếp tục rà soát làm rõ về những vướng mắc, bất cập; nguyên nhân, trách nhiệm của các bên; đồng thời nghiên cứu tiếp thu, làm rõ hơn một số ý kiến các bộ, ngành tại cuộc họp, hoàn chỉnh Báo cáo về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các dự án BOT giao thông. Trong đó lưu ý:

a) Xác định rõ những vấn đề tồn tại, bất cập do pháp luật và những vấn đề liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, rà soát kỹ Hợp đồng để xác định những vấn đề ngoài phạm vi Hợp đồng hoặc vấn đề thay đổi so với Hợp đồng đã ký, từ đó xác định rõ trách nhiệm các Bên (bao gồm trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp,...).

b) Bộ Giao thông vận tải trực tiếp trao đổi với các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng...) để có giải pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tính toán, đánh giá đầy đủ và làm rõ về lợi ích (nếu có) và mức độ chia sẻ của các bên (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nước...). Đối với các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, từng dự án phải rà soát, xem xét đầy đủ các phương án xử lý; quá trình đề xuất và thực hiện giải pháp không được để xảy ra thiếu minh bạch, thiếu khách quan làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước (thực hiện kiểm toán độc lập và kiến nghị cấp có thẩm quyền giao/đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để xác định đúng giá trị theo quy định trước khi thanh toán cho nhà đầu tư).

c) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động đối với phương án đề xuất; rà soát kỹ các nguyên tắc, giải pháp xử lý để bảo đảm chặt chẽ và minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà nước để trục lợi hoặc thoái thác trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đối với hợp đồng dự án đã ký kết.

d) Về thẩm quyền: Bộ Giao thông vận tải chịu trách về việc xác định và chỉ rõ thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật (Luật PPP, Luật Ngân sách, Luật đầu tư công...) để quyết định các cơ chế, chính sách xử tồn tại, bất cập của từng dự án (cần thiết có thể tham vấn thêm các cơ quan, đơn vị liên quan). Trường hợp thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xử lý. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo đúng cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đầy đủ Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định tại kỳ họp gần nhất.

3. Về tiến độ và hồ sơ trình:

a) Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, hoàn thiện Hồ sơ (theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 11 năm 2023.

b) Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan bằng văn bản: Bộ Tư pháp có ý kiến về việc áp dụng pháp luật; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công và Luật PPP; Bộ Tài chính có ý kiến về các nội dung liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước; Thanh tra Chính phủ có ý kiến về việc thực hiện, xử lý các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán và giám sát của Quốc hội.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ: CA, GTVT, KHĐT, TC, XD, TP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Thanh tra Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, PL, KTTH, QHĐP, Văn phòng BCSĐCP;
- Lưu: VT, CN (2)THH

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 428/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 428/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 20/10/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản