Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 415/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG

Ngày 26 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2024; dự lễ tiếp nhận ủng hộ Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lâm Đồng, kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 5,63%, GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người (cao nhất vùng Tây Nguyên); thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,9 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng 8%. Lâm Đồng là tỉnh đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 245 triệu đồng/ha; có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chú trọng thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, Lâm Đồng còn những khó khăn, hạn chế, thách thức cần quan tâm tháo gỡ, xử lý, giải quyết như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành động lực kinh tế của khu vực Tây Nguyên; chuyển dịch kinh tế còn chậm, năng lực cạnh tranh giảm sút so với trước, thu hút đầu tư không đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng còn bất cập; thiên tai diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Về quan điểm, định hướng

a) Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2024.

b) Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Vướng mắc phải tháo gỡ, khó khăn phải vượt qua, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ quan, mất cảnh giác. Phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, nhất là với nhiệm vụ đầu tư công.

c) Tập trung phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra đôn đốc, nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, gắn với kiểm soát quyền lực. Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

d) Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính vì nhân dân phục vụ, xóa bỏ cơ chế xin - cho, tạo môi trường lành mạnh. Phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân. Nhanh chóng ổn định tình hình, ổn định đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

đ) Tập trung đoàn kết thống nhất ngay trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lan tỏa các ngành, các cấp trong toàn tỉnh, tạo sức mạnh, tăng tốc, bứt phá và tạo hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu yêu cầu mà đại hội đảng các cấp đã đề ra, phát triển tỉnh Lâm Đồng nhanh, bền vững.

e) Lấy yếu tố con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm nguồn lực, là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển. Đội ngũ lãnh đạo các cấp phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy, gương mẫu, có năng lực, đạo đức trong sáng tạo động lực và nguồn cảm hứng cho toàn xã hội, toàn nhân dân. Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, đổi mới phấn đấu vươn lên.

2. Về một số nhiệm vụ trọng tâm

a) Ngoài 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Lâm Đồng cần tập trung 3 đột phá chiến lược riêng của Tỉnh: (i) Tập trung phát triển, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp; (ii) Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; (iii) Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và chống biến đổi khí hậu.

b) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, chính sách thông thoáng, giao thông thông suốt, quản trị thông minh. Huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, cơ cấu lại phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường...

c) Chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia thị trường tín chỉ các bon. Cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục đẩy mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chất lượng cao với nhiều loại hình du lịch.

d) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển kinh tế đi đối với công bằng xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc.

đ) Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Phải gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

e) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung triển khai đề án 06, nâng cao hiệu quả công vụ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên để tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan để xử lý các kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng về: (i) dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; (ii) tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc Quy hoạch khoáng sản. Xử lý dứt điểm trong tháng 9 năm 2024. Về các vướng mắc pháp lý về Quy hoạch khoáng sản, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, rà soát, bổ sung trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản. Việc gì thuộc thẩm quyền của Bộ xử lý ngay; việc gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì báo cáo đề xuất để xử lý trong tháng 9 năm 2024.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: QP, CA, KH&ĐT, TC, GTVT, CT, XD, TNMT, NN&PTNT, GD&ĐT, VHTTDL, NV;
- Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, NN, KGVX, NC, TKBT;
- Lưu: VT, QHĐP (03)TĐT

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 415/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 415/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/09/2024
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Cao Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản