Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 405/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2020 |
Ngày 11 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, cơ quan liên quan.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu dự họp và các điểm cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
2. Những kết quả, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam.
- Sau hơn 30 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu thành công trên thế giới về xóa đói giảm nghèo
- Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã giành cho phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.
- Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thi hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người từ ngân sách nhà nước, trong đó có nhiều người nghèo, kể cả lao động ở khu vực thành thị thiếu việc làm. Đây là một lỗ lực lớn của Việt Nam.
- Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo, tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020.
- Hạ tầng giao thông, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, được cải thiện, rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại, dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các vùng nông thôn đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo “ly nông bất ly hương”.
- Tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng, xây khoảng 170 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.
- Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh Miền Trung vừa qua, mọi cấp, mọi ngành, người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc và toàn xã hội, nhất là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp và các nhà hảo tâm khác đã chung tay, góp sức, thể hiện lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đây là truyền thống văn hóa đáng quý của nhân dân ta và trở thành một sức mạnh lan tỏa rộng khắp cả nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt biểu dương các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong nước, các tổ chức quốc tế đã thực hiện và nhân rộng các chương trình, sáng kiến, các mô hình thành công, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo thời gian qua. Đặc biệt đánh giá cao các địa phương, cá nhân tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân liên quan đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong suốt 3 thập niên vừa qua và có những nhận xét khách quan về thành quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam.
3. Giảm nghèo là vấn đề kinh tế - xã hội lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu. Thời gian tới, để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 - 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ sau đây:
a) Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân, tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn trong triển khai thực hiện; nhân rộng các chương trình, sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công; ưu tiên nguồn lực Nhà nước, lồng ghép các chương trình giảm nghèo, cùng với huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu trình Ban Bí thư chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.
c) Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện.
Thời gian tới, tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập; tiếp tục bố trí vốn và ban hành chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thực hiện từ năm 2021; áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
d) Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương cần hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường. Lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các cấp, cần trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể để mọi người dân được đón Tết cổ truyền đầy đủ, hạnh phúc.
đ) Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” để bảo đảm là một trong 4 phong trào trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới.
e) Đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp Ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo.
g) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội chung tay vì người nghèo; đẩy mạnh công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát duy dân chủ và nội lực của người dân.
Các cơ quan, Bộ ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 16/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 59/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014, phương hướng và nhiệm vụ năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 148/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo 16/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 59/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014, phương hướng và nhiệm vụ năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 148/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 405/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 405/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 22/12/2020
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/12/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra