Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 400/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI HỌP LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Ngày 06 tháng 10 năm 2014, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng dự làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan: Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2014, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo sâu sát và có nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế, làm giảm sự gia tăng của tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (giết người giảm 25,53%, cướp tài sản giảm 10,54%) tỷ lệ khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 87,33%; phát hiện, xử lý trên 3.200 vụ kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; gần 400 vụ hàng giả và 10.600 vụ gian lận thương mại, thu nộp ngân sách trên 3.000 tỷ đồng.

2. Tuy vậy, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp; số vụ phạm pháp hình sự tăng 0.2% so với cùng kỳ; tỷ lệ điều tra còn thấp; tội phạm ma túy tăng; tình trạng người nghiện ma túy lang thang, tụ tập sử dụng ma túy công khai, đe dọa uy hiếp tống tiền tại các công viên, địa bàn công cộng gây bức xúc trong nhân dân vẫn chưa được xử lý hiệu quả; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bầy bán tràn lan, công khai tại các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ; gian lận thương mại về giá, về thuế suất thuế nhập khẩu và chủng loại hàng hóa diễn ra phổ biến; xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để làm tốt công tác phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh và các lực lượng chức năng của Thành phố cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh phải thực sự vào cuộc, xác định công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Thủ trưởng các sở, ngành, các cơ quan chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra thường xuyên trên địa bàn.

2. Ban Chỉ đạo 138/TP và Ban Chỉ đạo 389 của Thành phố phải xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phù hợp với tình hình cụ thể, có chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời đảm bảo nâng cao hiệu quả phối hợp; kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên; xây dựng quy chế xác định trách nhiệm của từng Thành viên Ban Chỉ đạo trên từng địa bàn, lĩnh vực được giao, khi có vụ việc xảy ra phải quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị liên quan.

3. Các lực lượng chức năng của Thành phố:

- Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi làm ngơ, bao che cho tội phạm; bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đối với những cán bộ, công chức có thông tin phản ánh tiêu cực, dù chưa đủ cơ sở kết luận nhưng trước hết phải điều chuyển, bố trí công tác khác; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

- Mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; tăng cường công tác điều tra, phối hợp hiệu quả, nắm chắc địa bàn, đối tượng để triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm ma túy; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các “đường dây”, “ổ nhóm” vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá, rượu, thực phẩm và phụ gia thực phẩm;

- Phối hợp tốt với lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương có liên quan triệt phá các đường dây, ở nhóm vận chuyển hàng lậu, hàng giả từ các địa phương khác về Thành phố Hồ Chí Minh để trung chuyển hoặc tiêu thụ. Có các giải pháp giám sát hiệu quả hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, không để tình trạng chủ hàng tháo dỡ hàng trên đường vận chuyển nhằm trốn thuế, “thẩm lậu, các mặt hàng cấm nhập khẩu.

- Phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng để xác định một số vụ án trọng điểm về an ninh, trật tự, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhất là các vụ án trọng điểm trên địa bàn xảy ra trong thời gian gần đây.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phương thức thủ đoạn, cách phòng ngừa; tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Tiếp tục xây dựng mô hình toàn dân phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: toàn dân tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, tố giác các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả v.v... Mặt khác, phải kịp thời khen thưởng, bảo vệ những người dũng cảm tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật

- Lực lượng Hải quan phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, đảm bảo xác định đúng trị giá hàng nhập khẩu, phân loại áp mã hàng hóa chính xác, kiểm tra sau thông quan hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng chủ hàng gian lận về giá, trốn thuế; có cơ chế chia sẻ thông tin về chủ hàng, về hàng hóa nhập khẩu với các lực lượng chức năng khác, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc kiểm tra, giám sát từ khâu nhập khẩu đến khâu tiêu thụ.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ

1. Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả:

a) Về sử dụng một phần nguồn thu từ xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu. gian lận thương mại, hàng giả: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bổ sung cho các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính và các nguồn hỗ trợ khác.

b) Về việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu: Sẽ sớm có quyết định cụ thể sau khi Bộ Công Thương có báo cáo kèm dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

c) Bổ sung lực lượng Quản lý thị trường được hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về chế độ tiền lương: Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Các kiến nghị sửa đổi các văn bản quy định liên quan về phòng, chống tội phạm:

Giao Văn phòng Thường trực Phòng, chống tội phạm và ma túy phối hợp với Ban Chỉ đạo 138/TP của Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các nội dung, lập danh mục các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm cần sửa đổi, bổ sung và đề xuất xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2014.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg (để b/c);
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương; Nội vụ, NN&PTNT, KH&CN;
- UBND TP. Hồ Chí Minh;
- UB TW MT TQ Việt Nam;
- Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm
- Tổng cục Hải quan;
- Văn phòng TT BCĐ 389 guốc gia;
- Văn phòng TT Phòng, chống tội phạm và ma túy;
- Cục Quản lý thị trường;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, KTTH, V.III, KGVX, TH:
- Lưu: VT, V.I (3). ĐVD.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 400/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 400/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/10/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quang Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản