Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN SANG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA CỤC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VIỆT NAM

Ngày 03/02/2023, tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tham gia dự cuộc họp có đồng chí Đào Văn Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải; đại diện các Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Pháp chế, Vận tải, Tài chính; Thanh tra Bộ; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kết luận như sau:

1. Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là năm 2022.

Phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế, đề nghị Đảng ủy Cục, Lãnh đạo Cục và các tổ chức đoàn thể của Cục tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải, Đảng ủy Bộ; ổn định tình hình chính trị tư tưởng, phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, nhất là người đứng đầu tại cơ quan Cục cũng như các đơn vị trực thuộc; củng cố, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ bảo đảm đúng quy định, tạo sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ Cục, của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, chủ động, tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời có các giải pháp hữu hiệu sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, nhất là ngay sau cuộc họp này, đề nghị Đảng ủy Cục, Lãnh đạo Cục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, của Ban Cán sự đảng Bộ, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải, nhất là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nắm vững, hiểu sâu và thực hiện có hiệu quả.

Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời chấn chỉnh, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực của tổ chức, cá nhân vi phạm. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đổi mới phương thức lãnh đạo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, của Ban Cán sự đảng Bộ, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Đảng ủy Bộ nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

2. Đối với một số nhiệm vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

2.1. Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023

- Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động, nghiêm túc trong rà soát, xây dựng, trình Bộ các văn bản quy phạm pháp luật được giao đảm bảo chất lượng, tiến độ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa;

- Giao Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật, "lấp đầy" khoảng trống trong quản lý.

- Đối với dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu:

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương rà soát, đề xuất tiến độ theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 652/BGTVT-PC ngày 19/01/2023 (hoàn thành trước ngày 14/02/2023); đồng thời khẩn trương hoàn thành, báo cáo Bộ các nội dung theo yêu cầu tại văn bản số 13369/BGTVT- KCHT ngày 14/12/2022;

Vụ Tài chính chủ động trao đổi, làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính để thống nhất chương trình sửa đổi Thông tư 248/2016/TT- BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.

- Đối với dự thảo Nghị định quy định quản lý hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP): Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cần chủ động hơn trong việc rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 và phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định nạo vét vùng nước đường thủy nội địa để đảm bảo hiệu quả, khả thi, thuận lợi khi thực hiện.

2.2. Về việc thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa, yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

- Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong chậm triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa năm 2022, không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, giải ngân không hết nguồn vốn được cấp trong thời gian tới;

- Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao; tổ chức triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Hợp đồng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; kịp thời phát phát hiện các hành vi vi phạm đề xử lý theo quy định của Hợp đồng và quy định của pháp luật;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh toán các công trình bảo trì theo thẩm quyền đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ, khả thi, đúng quy định và phù hợp với thực tế;

- Rà soát, báo cáo đề xuất Bộ Giao thông vận tải trình tự, thủ tục công tác lập kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đối với nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa nhằm đảm bảo việc phê duyệt kế hoạch bảo trì đối với công tác này được hoàn thành trong tháng 10 năm trước để tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên ngay từ đầu năm sau.

- Rà soát, nghiên cứu quy định tại Thông tư số 21/2022/TT-BGTVT ngày 22/12/2022, trường hợp thấy cần thiết đề xuất Bộ phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ trong công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm;

- Rà soát, nghiên cứu quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BGTVT ngày 11/2/2020 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế theo đúng quy định trong tổ chức đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên.

2.3. Thanh tra Bộ sớm tổ chức, hoàn thành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt tại Quyết định số 1555/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2022. Trên có sở đó, kịp thời kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

2.4. Đối với công tác chuyển đổi luồng ĐTNĐ quốc gia thành luồng ĐTNĐ địa phương theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP:

- Giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với các địa phương đã có Quyết định chuyển luồng ĐTNĐ quốc gia thành luồng ĐTNĐ địa phương làm việc với Bộ Tài chính để sớm có Quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

- Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát tình hình thực hiện, báo cáo Lãnh đạo Bộ chủ trì họp với các địa phương chưa thống nhất chuyển luồng; hoàn thành trong tháng 02/2023.

2.5. Về công tác ủy quyền cho các địa phương:

- Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu Bộ Giao thông vận tải có văn bản giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền của các địa phương trong thời gian vừa qua;

- Trên cơ sở đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam triển khai ngay việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền của các địa phương trong thời gian vừa qua; báo cáo Bộ kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật; hoàn thành trong tháng 3/2023.

2.6. Về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa.

- Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường quán triệt, có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát nội quy, quy chế nội bộ, chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ của lực lượng cảng vụ viên;

- Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao của các cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục; tổng hợp báo cáo Bộ kết quả thực hiện trong tháng 3/2023;

- Giao Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham mưu cho Bộ triển khai các giải pháp điện tử hóa việc thực hiện các thủ tục cấp phép cho phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng, bến thủy nội địa để đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân, nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định.

2.7. Về công tác quản lý phương tiện thủy nội địa: Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trưởng nghiên cứu, tham mưu quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thay cho AIS đối với các phương tiện nhỏ, hoạt động trong khu vực lòng hồ; rà soát, sửa đổi các quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phù hợp với thực tế.

3. Một số nội dung liên quan khác

- Chủ động rà soát công chức thuộc thẩm quyền quản lý để có phương án điều động, bố trí về làm việc tại một số cơ quan trực thuộc Cục nhằm đảm bảo nhân lực thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao. Trường hợp cần thiết báo cáo Bộ Giao thông vận tải để có giải pháp tăng cường, hỗ trợ công chức cho Cục trong thời điểm hiện nay;

- Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, tham mưu Lãnh đạo Bộ có giải pháp tăng cường biên chế, công chức cho Cục nhằm hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao; sớm hoàn thành tham mưu cho Bộ ban hành quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ các phòng chức năng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc để kịp thời đánh giá, phát hiện, có biện pháp chấn chỉnh trong thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý cũng như có cơ sở để xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy Cục, của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải cần chủ động tham mưu, đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết và tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang (để b/c);
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Chánh Văn phòng (để b/c);
- Các cơ quan, đơn vị dự họp;
- Vụ Tổ chức cán bộ;
- Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường;
- Trung tâm Công nghệ thông tin;
- Lưu VT, KCHT.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Phan Đức Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 40/TB-BGTVT năm 2023 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 40/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 14/02/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Phan Đức Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản