VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 387/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ VỀ VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TỰ SẢN, TỰ TIÊU.
Ngày 13 tháng 8 năm 2024 tại Trụ sở làm việc Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương (Tờ trình số 4135/TTr-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2024, văn bản số 200/BC-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2024) về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trực tuyến đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện cấp Vụ, Cục các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (tại điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Viện Năng lượng. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
1. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, không lùi thời gian, không lùi thời điểm, không lùi mục tiêu. Đến nay, Bộ Công Thương đã cơ bản tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để việc ban hành Nghị định này bảo đảm chất lượng, khả thi khi thực hiện, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng mong muốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin-cho, đề nghị Bộ Công Thương:
a) Hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, mục đích chính là phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của người dân và doanh nghiệp; trường hợp điện dư được bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất.
b) Về quy trình, thủ tục: Đối với người dân, hộ gia đình và khu vực công sở nghiên cứu theo hướng đưa vào thành nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp đúng với tinh thần khuyến khích sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo hướng cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng lắp đặt thiết bị trên công trình hiện hữu, đồng thời áp dụng công tác hậu kiểm thay cho tiền kiểm và thông báo cho cơ quan chức năng biết lượng điện phát lên lưới. Trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 100 kW đến dưới 1 MW và lựa chọn đấu nối và bán điện dư lên hệ thống điện Quốc gia phải thực hiện đăng ký với đơn vị Điện lực địa phương để đấu nối với hệ thống điều khiển từ xa. Đối với tổ chức, cá nhân có công suất lắp đặt từ 1 MW trở lên có đấu nối và đăng ký bán điện dư lên hệ thống điện Quốc gia phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
c) Đối với các hộ dân, cơ quan, công sở khi bán lượng điện dư lên lưới điện quốc gia, cơ quan quản lý cần có quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối. Đồng thời nghiên cứu phương án quản lý, giám sát, điều khiển theo hình thức chuyển đổi số đối với nguồn điện mặt trời mái nhà khi phụ tải không sử dụng trong ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện.
d) Nghiên cứu, có biện pháp kỹ thuật kỹ hơn, rõ hơn, kiểm soát chặt chẽ đối với hộ kinh doanh sản xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bán lên lưới điện quốc gia truyền tải ra ngoài vùng sản xuất để bảo đảm an toàn trong vận hành hệ thống điện.
đ) Về Pin lưu trữ: đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có thể mua 100% công suất điện dư và nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm.
e) Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Viện Năng lượng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải bảo đảm kiểm soát, an toàn hệ thống, mạng lưới truyền tải tại các địa phương, vùng miền khi huy động nguồn điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đề xuất nâng công suất cho điện mặt trời mái nhà (hiện tại khu vực miền Bắc mới huy động khoảng 2,5% trong khi khả năng huy động đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải lên đến 25-30% như báo cáo của EVN. Do vậy, cần điều chỉnh ngay quy mô công suất đối với miền Bắc có thể lên tới 7000 MW và tính toán lại khả năng huy động cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2024 xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với năng lượng mặt trời mái nhà.
2) Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 22 tháng 8 năm 2024 và chịu trách nhiệm về nội dung Dự thảo Nghị định theo khoản 1 Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề xuất xin ý kiến Thành viên Chính phủ về toàn bộ dự thảo Nghị định và các nội dung cụ thể:
(1) Đối với trường hợp điện dư được bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất.
(2) Trên cơ sở khả năng đáp ứng về kỹ thuật, công nghệ, khả năng đáp ứng của hệ thống lưới truyền tải điện, căn cứ nhu cầu phát triển các loại hình nguồn điện tham gia mua bán điện trực tiếp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch điện theo quy định của pháp luật quy hoạch.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 205/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 278/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 356/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 387/TB-VPCP năm 2024 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 387/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 16/08/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Cao Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định