Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 377/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2020 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM
Ngày 24 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của một số đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Ngành công nghiệp ô tô bao gồm chuỗi các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan từ thiết kế, phát triển, sản xuất đến tiếp thị, kinh doanh ô tô. Ngành công nghiệp ô tô có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt nam sẽ giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Quan trọng hơn, phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh - phụ kiện như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, tự động hoá... và nhiều ngành dịch vụ liên quan khác, từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định vai trò quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô thông qua các chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn như: chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai... Trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá; nhiều doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo ra nhiều việc làm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng quy mô, tăng công suất, các thương hiệu xe lớn sau một thời gian chỉ nhập khẩu đã quay trở lại sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Đặc biệt, ô tô du lịch thương hiệu Việt do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được thị trường nội địa đón nhận tích cực, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời muộn, tham gia chủ yếu vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động... Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, còn chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đây chính là một trong những nút thắt, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển. Thị trường trong nước còn dư địa rất lớn với quy mô dân số 100 triệu dân, kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, số lượng những người có mong muốn và khả năng tiêu dùng ô tô tăng nhanh. Thị trường khu vực và quốc tế ở một số phân khúc, một số sản phẩm ô tô, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là rất tiềm năng.
Do vậy, cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thu đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, trước mắt cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàn g Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 1168/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1829/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 229/QĐ-TTg năm 2016 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP do Bộ Công thương ban hành
- 5Công văn 2506/VPCP-CN năm 2022 đề xuất thực hiện Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 1168/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1829/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 229/QĐ-TTg năm 2016 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP do Bộ Công thương ban hành
- 5Công văn 2506/VPCP-CN năm 2022 đề xuất thực hiện Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 377/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 377/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 11/11/2020
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/11/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra