Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 376/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KON TUM

Từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum: khảo sát vườn sâm Ngọc Linh, thăm trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông; thăm Nhà văn hóa làng Kon Pring, khảo sát thực tế một số địa điểm dự kiến triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Kon Plông; chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023. Cùng dự các hoạt động và buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Kon Tum và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”. Tỉnh Kon Tum có diện tích rộng, dân số ít, với địa hình đa dạng; có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao (63%) với 43 dân tộc anh em; lực lượng lao động chiếm tỷ lệ khá cao (56,7% dân số). Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia; là vùng đất mang đậm nét văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều loại hình đa dạng, độc đáo còn được lưu giữ và phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ, trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 Tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực: năm 2022, GRDP đạt 9,47%; đã đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 6 tháng năm 2023: GRDP đạt 6,8% (đứng thứ 22/63 và cao nhất khu vực Tây Nguyên); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 17% so với cùng kỳ. Nông nghiệp tiếp tục đà tăng tốt; Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng 16%; đón trên 1 triệu khách du lịch, tăng 20,4% so cùng kỳ, Công nghiệp phát triển tích cực; chỉ số IIP tăng 9,22%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Những kết quả đạt được của tỉnh Kon Tum đã đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, Tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: Tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô của nền kinh tế còn nhỏ nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, chuyển dịch nền kinh tế còn chậm, hợp tác công tư chưa nhiều, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh CPI, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) vẫn thuộc nhóm trung bình của cả nước; Công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn nhiều bất cập. Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, giá trị kinh tế cao nhưng chưa được quy hoạch phát triển bài bản, còn manh mún, chia cắt, nhỏ lẻ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn hạn chế.

II. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

1. Một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành

- Kon Tum cần phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động bất ngờ; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về kinh tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

- Cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

- Đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, bằng khung tròi, mảnh đất, của khẩu, bàn tay, khối óc của mình; không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

- Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

- Là địa phương có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa các dân tộc, Tỉnh phải hết sức chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

- Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

- Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, luôn cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch.

2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, cần rà soát lại kết quả thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu vượt các mục tiêu đã đề ra.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan tới đất đai, rừng, tài sản, vốn góp của nhân dân để giải phóng nguồn lực, tập trung cho phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn vốn ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch và năng lượng.

Thứ tư, thúc đẩy việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối), đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, để người dân gắn bó, hưởng lợi, thoát nghèo, làm giàu từ đất, từ rừng.

3. Một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới

- Tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới (hoàn thành trong tháng 9 năm 2023).

- Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến...

- Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất. Gắn không gian phát triển kinh tế của tỉnh với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.

- Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng, suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; tập trung xây, dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là Sâm Ngọc Linh).

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo. Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia.

- Phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...). Phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường các giải pháp quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu bảo đảm bền vững; triệt để tiết kiệm chi.

- Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ.

- Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng hệ thống trường dân tộc nội trú.

- Đẩy mạnh thực chất, hiệu quả cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

- Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa. Theo sát tình hình, chuẩn bị kỹ, chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa thiên tai. Rà soát, đánh giá và có giải pháp phòng tránh sạt lở.

- Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đông người, kéo dài, nhất là các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai tại các công ty nông, lâm trường không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Làm tốt công tác phòng ngừa, không để FULRO, tà đạo Hà Mòn tái hoạt động trở lại. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tâm nhiệm vụ.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị liên quan đến công tác quy hoạch:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Kon Tum; trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định và phê duyệt trong tháng 9 năm 2023.

- Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen theo thẩm quyền trong tháng 9 năm 2023.

- Chính phủ đã có văn bản số 364/CP-CN ngày 04 tháng 8 năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích, hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất về việc quy hoạch chung và quy hoạch phân khu được phép lập đồng thời. Sau khi có hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Kon Tum sẽ có căn cứ thực hiện theo quy định.

2. Về cho chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu du lịch Măng Đen: Tỉnh chủ động xây dựng Đề án phát triển Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách phát triển Khu du lịch Măng Đen theo quy định, trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương trong tháng 9 năm 2023.

3. Về chủ trương đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum: Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, rà soát tổng thể Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xem xét, xử lý kiến nghị của tỉnh Kon Tum về việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về đề nghị điều chỉnh tăng chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp và giảm chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp đã giao cho Tỉnh tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2023, rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương, trong đó có kiến nghị của tỉnh Kon Tum, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.

5. Về hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng giao thông (đoạn còn lại của Quốc lộ 24 có chiều dài 62,2km, với tổng mức đầu tư khoảng 2.040 tỷ đồng): Đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án bố trí vốn hỗ trợ tỉnh Kon Tum thực hiện dự án khi có nguồn phù hợp.

6. Về chủ trương mở cửa khẩu phụ Hồ Le, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai: Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023; Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao để hoàn thiện hồ sơ mở cửa khẩu phụ Hồ Le theo quy định.

7. Về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với 03 dự án (Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum-với huyện Sơn Tây, Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi; Dự án đường giao thông từ xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đi huyện Kbang tỉnh Gia Lai; Dự án cụm hồ Đăk Rô Gia - Ia Tun, tỉnh Kon Tum): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 18 tháng 8 năm 2023, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; báo cáo Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.

8. Về phát triển điện gió và lưới điện truyền tải:

Giao Bộ Công Thương: (i) khẩn trương xử lý, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan (trong đó có kiến nghị của tỉnh Kon Tum) để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023; (ii) xây dựng khung giá điện phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế.

9. Về cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân nhận giao khoán đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kon Tum, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.

10. Về cơ chế, chính sách thuê môi trường rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan rà soát quy định hiện hành, làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong thực tế triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến việc cho thuê môi trường rừng trồng dược liệu, phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp luật về đất đai đã được thảo luận tại Quốc hội.

11. Về việc bổ sung quy hoạch sân bay Măng Đen: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền.

12. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đôn đốc việc thực hiện văn bản này.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, CT, TNMT, CA, QP, NG, NNPTNT, GTVT, GDĐT, LĐTBXH, XD, Y tế, VHTTDL, UBDT;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum;
- UBQL vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng, các Vụ: KTTH, CN, NN, KGVX, ĐMDN, TH, TKBT; Cục KSTTHC; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) TĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 376/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 376/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/09/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản