Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2003

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 36/TB-VPCP NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ ĐỀ ÁN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Ngày 13 tháng 3 năm 2003, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp về Đề án Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khoa học, tự nhiên và Công nghệ quốc gia; lãnh đạo các Tổng công ty: Điện lực, Dầu khí và Than.

Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Công nghiệp báo cáo, các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:

1- Về nội dung của Đề án Chiến lược:

Đề án Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 có vị trí rất quan trọng góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra. Nội dung Đề án Chiến lược do Bộ Công nghiệp lập về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu đề ra. Bộ Công nghiệp cần tiếp thu và bổ sung các nội dung sau đây:

- Đề án Chiến lược cần cập nhật các nội dung chủ yếu của Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, có xét triển vọng đến năm 2020 (Quy hoạch điện V hiệu chỉnh và cả điện Nguyên tử), các nội dung chủ yếu Chính sách năng lượng quốc gia đang được Bộ Công nghiệp soạn thảo, đồng thời có tính đến các tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Lưu ý trong phần Tổ chức thực hiện Đề án Chiến lược cần kiến nghị các giải pháp.

- Đánh giá hiện trạng cần nêu được những việc làm được và chưa làm được, nguyên nhân chủ quan, khách quan, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

- Đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện năng cần tính đến khả năng cung cấp nguồn năng lượng thứ cấp trong nước, bối cảnh khu vực và quốc tế để sắp xếp xây dựng các nguồn điện theo thứ tự ưu tiên: thuỷ điện, nhiệt điện dùng nhiên liệu than, nhiệt điện dùng nhiên liệu khí, nhiệt điện sử dụng dầu FO và khí, các dạng năng lượng mới (mặt trời, sinh khối, gió…), điện hạt nhân, trao đổi việc mua bán điện với các nước trong khu vực.

2- Về quan điểm phát triển:

Ngoài các nội dung đã nêu trong Đề án, cần khẳng định việc phát triển nguồn điện và lưới điện phải đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia.

Phát huy mọi nguồn lực trong nước là chủ yếu để phát triển nguồn điện và lưới điện. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn vay nước ngoài để phát triển nguồn điện và lưới điện, nhưng không để bị ràng buộc về chính sách. Phát triển nguồn điện phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn năng lượng thứ cấp trong nước. Phải xét theo thứ tự ưu tiên; thuỷ điện; than; khí và các nguồn khác.

- Về nhiệm vụ: Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống điện Việt Nam một cách bền vững, đồng bộ với hệ thống lưới điện có công nghệ tiên tiến để cung cấp điện ổn định cho khách hàng, phải có mục tiêu và thời gian rõ ràng để giảm tổn thất điện năng để kỹ thuật và phi kỹ thuật đến mức thấp nhất.

Cần nhấn mạnh nội dung tiết kiệm không chỉ trong lĩnh vực sản xuất điện năng và các hộ sử dụng điện mà cả trong các ngành kinh tế - xã hội và khu vực dân cư.

Về cạnh tranh, cần nhấn mạnh đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước (thông qua Tổng công ty Điện lực Việt Nam) độc quyền quản lý và phát triển hệ thống điện chuyển tải, gồm các trạm biến áp và đường dây có cấp điện áp 220 - 500 kV.

Các nguồn điện có công suất khoảng 100 MW có thể giao cho các chủ đầu tư có điều kiện và năng lực (không thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam) thực hiện. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu ban hành khung giá điện, hướng dẫn các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán điện và chỉ đạo, giám sát việc triển khai các dự án theo đúng quy hoạch và kế hoạch đề ra.

- Về cân đối nguồn vốn để thực hiện Chiến lược: Phải tính toán cụ thể từ các nguồn để làm rõ tính khả thi, cần cân nhắc các phương án (nhu cầu vốn trong nước, kể cả phát hành trái phiếu công trình, vốn ngoài nước để nhập thiết bị vật tư mà trong nước không sản xuất được…). Việc tăng giá điện sẽ được điều hành theo lộ trình hợp lý.

- Về các kiến nghị, Bộ Công nghiệp cần cập nhật các văn bản của Chính phủ mới ban hành để có kiến nghị cụ thể.

3- Bộ Công nghiệp tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, cập nhật thêm các số liệu, hoàn chỉnh Đề án Chiến lược phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước 30 tháng 3 năm 2003 và để có thể báo cáo Bộ Chính trị khoảng đầu tháng 4 năm 2003.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện.

 

Nguyễn Công Sự

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 36/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề án chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 36/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/03/2003
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Sự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản