Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 339/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2020 |
Ngày 26 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (sau đây gọi tắt là Ủy ban) với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, các đồng chí thành viên Ủy ban, các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình phát triển Chính phủ điện tử và kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 theo đánh giá của Liên Hợp quốc, tham luận của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Đồng Tháp, Nghệ An; ý kiến phát biểu của các đại biểu, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau:
Biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần Bkav... đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc của người nhiễm bệnh như Bluezone, Ncovi...
Công tác thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử được tiếp tục quan tâm, tăng cường, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quan trọng như Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các nền tảng Chính phủ điện tử được phát triển nhanh, trong đó nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển nhanh chóng và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh với số lượng Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh cấp bộ, cấp tỉnh tăng 5,2 lần so với tháng 02 năm 2020; các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp đạt 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, Công Dịch vụ công quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã đi vào nền nếp, với tỷ lệ đạt 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 là 90%), có trên 2,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được khai trương ngày 19 tháng 8 năm 2020. Bộ máy chỉ đạo điều hành về Chính phủ điện tử các cấp tiếp tục được kiện toàn, Ủy ban được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, các Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương cũng đang được mở rộng chức năng, nhiệm vụ tương ứng.
Sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt Nam đã dân làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến hay, hàng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay đã có hàng chục nền tảng được ra mắt.
Bên cạnh đó, xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng Chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; dành tỷ lệ chi thích đáng từ ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả (như tỉnh Bình Phước đã chi hơn 1% từ ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin).
Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 02 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong đó, chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc, chỉ số thành phần về nhân lực được cải thiện 3 bậc, chỉ có Chỉ số Dịch vụ trực tuyến giảm 22 bậc, tuy nhiên việc khảo sát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Liên Hợp Quốc được thực hiện trước tháng 9 năm 2019, thời điểm Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa khai trương và từ đó đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã tăng mạnh.
a) Về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử
- Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020.
- Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong Quý III năm 2020.
- Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong Quý III năm 2020, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của Việt Nam.
b) Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Các Bộ, ngành, địa phương:
+ Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.
+ Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
+ Thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện từ cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyên do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có phương án rõ ràng, bảo đảm không ách tắc, tránh lãng phí.
- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đáp ứng các mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý.
c) Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia
- Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 7 năm 2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong tháng 7 năm 2021.
d) Về các nền tảng, hạ tầng Chính phủ số
- Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 10 năm 2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng.
đ) Về việc triển khai chuyển đổi số
- Các bộ, ngành, địa phương:
+ Khẩn trương xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số, trong đó, lồng ghép các nội dung Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số. Hoàn thành trong Quý III năm 2020.
+ Duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội sau thời gian dịch bệnh Covid-19 để chuyển sang một trạng thái bình thường mới, khi các hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức được chuyển dần lên môi trường số, dựa nền tảng công nghệ số.
- Bộ Thông tin và Truyền thông:
+ Khẩn trương xây dựng, công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trong năm 2020. Bắt đầu từ năm 2021 thực hiện đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung quy hoạch và thành lập các khu công nghệ thông tin tập trung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
+ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) với cơ cấu tổ chức phù hợp và các chế độ ưu đãi, cơ chế tài chính đặc thù nhằm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, bảo đảm đủ năng lực, nguồn lực để tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Bộ Nội vụ chủ trì làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan về phương án kiện toàn, nâng cấp đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp các kiến nghị của Bộ, địa phương để xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 313/TB-VPCP năm 2020 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 326/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 337/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 6146/VPCP-KSTT năm 2020 về nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Quy chế 01/QCPH-VPCP-TANDTC năm 2021 về phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính
- 6Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2022 về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021
- 1Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
- 2Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư
- 5Quyết định 411/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
- 7Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Thông báo 313/TB-VPCP năm 2020 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 326/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Thông báo 337/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Công văn 6146/VPCP-KSTT năm 2020 về nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Quy chế 01/QCPH-VPCP-TANDTC năm 2021 về phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính
- 13Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2022 về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021
Thông báo 339/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 26 tháng 8 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 339/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 22/09/2020
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/09/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra