Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VỚI CÁC BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 23 tháng 7 năm 2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (sau đây gọi tắt là Ủy ban) với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các đồng chí thành viên Ủy ban, các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban.

Sau khi nghe Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, bài trình bày của Bộ Thông tin và Truyền thông, tham luận của các Bộ, cơ quan: Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau:

1. Biểu dương, đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; hoan nghênh sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đã sẵn sàng tiếp cận, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng triển khai các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế.

2. Với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Việc triển khai bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 17/NQ-CP). Nghị quyết này đã được các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và tích cực triển khai. Cùng việc thiết lập cơ quan chỉ đạo liên ngành ở trung ương là Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, tại Bộ, ngành, địa phương đã thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử từng bước hoàn thiện, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ. Đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tài chính, đất đai... được quan tâm triển khai. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tiếp tục được tăng cường. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh đã được cải thiện. Kinh phí phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử được quan tâm bố trí một phần.

Mặc dù vậy, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng còn tồn tại, hạn chế: Một số nhiệm vụ triển khai chưa đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn tình trạng xin lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; thiếu sự lãnh đạo tập trung trong xây dựng Chính phủ điện tử dẫn đến tình trạng đầu tư trùng lặp, lãng phí, thiếu đồng bộ tại một số Bộ, ngành, địa phương; các văn bản tạo hành lang pháp lý cho xây dựng Chính phủ điện tử chưa được ban hành (quy định về định danh, xác thực điện tử; về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân); tiến độ xây dựng một số hệ thống thông tin làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, hiệu quả chưa cao; còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật nhà nước; việc bố trí ngân sách cho xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

3. Xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới và khó, nếu không có quyết tâm thay đổi tư duy, phương thức làm việc từ truyền thống sang môi trường điện tử thì khó thành công. Tầm nhìn xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, có sự tiếp nối, kế thừa giữa các cấp độ, giai đoạn phát triển. Xác định phương châm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là thiết thực, hiệu quả, không hình thức, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực chất xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, trong đó có 2 mối quan hệ bên ngoài giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và 2 mối quan hệ bên trong giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với cán bộ, công chức, phải làm tốt mối quan hệ bên trong mới làm tốt được mối quan hệ bên ngoài.

Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng số cho cá nhân, tổ chức được thuận tiện mọi lúc mọi nơi và tăng cường sự giám sát của nhân dân vào quá trình ra quyết định của chính quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, sự công khai, minh bạch, góp phần phòng, chống tham nhũng, về cách làm, cần tận dụng tối đa các công nghệ mới, bài học kinh nghiệm quốc tế, tập trung xây dựng các nền tảng dùng chung, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh hiệu quả quản trị, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm dữ liệu phải được chuẩn hóa trước khi chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, tăng cường công tác đào tạo, truyền thông.

Trong bối cảnh ngân sách có hạn, việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin và cho nhà nước thuê lại là giải pháp phù hợp, đồng thời phát huy được vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam vào xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đặt hàng doanh nghiệp đầu tư cần có đầu bài, tiêu chí ràng buộc rõ ràng, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, đã có kinh nghiệm triển khai thực tiễn các dự án công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử và phải bảo đảm an toàn thông tin, không lộ lọt dữ liệu, bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hơn nữa tinh thần khẩn trương, hành động quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

a) Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

b) Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

- Chỉ đạo, xem xét, quyết định các vấn đề, công việc thường xuyên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo hoạt động toàn diện của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban xem xét, giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng. Chủ trì phiên họp Ủy ban trong tháng 11 năm 2019 để đánh giá kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trước khi thực hiện sơ kết Nghị quyết số 17/NQ-CP vào tháng 12 năm 2019.

- Chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

- Chỉ đạo hoàn thiện Đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương.

c) Các Bộ, ngành, địa phương

- Nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn. Các Ban Chỉ đạo cần phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại Bộ, ngành, địa phương mình; kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này. Đồng thời, rà soát quy trình, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo các danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2017-2019, ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu và nâng cấp chất lượng dịch vụ đang cung cấp theo hướng thân thiện với người dùng. Chủ động nghiên cứu giải pháp, số hóa giấy tờ và thực hiện chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

d) Văn phòng Chính phủ làm đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao, không làm thay chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tập trung nguồn lực xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành trong tháng 11 năm 2019; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong tháng 12 năm 2019.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò, chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Hàng năm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

- Tập trung xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phù hợp với thực tiễn, thuận lợi khi triển khai, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2019. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản trị dữ liệu, xây dựng chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản trị, khai thác dữ liệu... để bảo đảm dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng cho chuyển đổi số và nền kinh tế số.

- Xây dựng danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai các hạng mục này, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2019.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng phù hợp với tình hình thực tiễn, hoàn thành trong năm 2019.

e) Bộ Công an tập trung xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ trong quý I năm 2020 và sớm trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Ưu tiên và huy động các nguồn lực hợp pháp trong triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

g) Bộ Nội vụ tập trung xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2019.

h) Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.

i) Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc Bộ, ngành, địa phương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Kịp thời báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý các trường hợp chậm triển khai.

k) Về vấn đề an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử; giám sát nghiêm ngặt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin về vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, không được để lộ lọt dữ liệu, bí mật nhà nước. Ngược lại, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản hệ thống thông tin về công tác này.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCp, các PTTg (để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đồng chí thành viên UBQG về CPĐT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KSTT (2). Trung

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 338/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 338/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/09/2019
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản