Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 326/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẠC LIÊU

Ngày 20 tháng 9 năm 2016 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh; phát biểu của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn đạt 12%/năm, cao hơn so với bình quân cả nước; có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn 2,88%. Trong điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhưng kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2016 vẫn phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,88%; tổng thu trong cân đối ngân sách tăng 41%; sản lượng tôm đứng thứ 2 cả nước, bước đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất tôm, nhất là sản xuất tôm giống, chiếm 50% sản lượng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và 19,23% cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công và đồng bào dân tộc được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa phát triển; hoạt động của doanh nghiệp, sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực trình độ cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả cao chưa nhiều.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, tạo bước phát triển mới cho những năm tiếp theo. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tăng thu ngân sách địa phương; tiết kiệm chi, chống lãng phí.

2. Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển các nhà máy điện gió trên địa bàn.

3. Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, vận tải, du lịch. Phối hợp các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy thế mạnh của từng tỉnh và bổ trợ lẫn nhau trong vùng.

4. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngành nuôi trồng thủy sản phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo, là vùng nuôi tôm thâm canh gắn với công nghiệp chế biến tôm lớn nhất của cả nước; đồng thời nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp, bậc học; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Huy động các nguồn vốn xã hội để thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác tôn giáo, dân tộc.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về giải pháp tổng thể thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, quy hoạch phát triển các ngành (nhất là sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, dân cư, đô thị, cấp thoát nước) để thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương sản xuất muối, trong đó có Bạc Liêu đánh giá tình hình, tính toán sản lượng muối phù hợp với thị trường, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về hỗ trợ vốn nạo vét các tuyến kênh trục, kênh cấp I dẫn nước chính: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương có giải pháp kiểm soát nước mặn, trữ nước ngọt phục vụ phát triển sản xuất và đời sống; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, đề xuất kinh phí hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về vốn đầu tư 04 tuyến đường ĐT.978 (từ Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu vào Quốc lộ 63 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang); ĐT.980 + QL63 (đấu nối từ Gành Hào, Đông Hải đến Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang); ĐT.981 (đấu nối từ huyện Giá Rai, Bạc Liêu đến Thới Bình, Cà Mau); ĐT.982B (đoạn từ Quốc lộ 1A sang Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp): Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các hình thức giao thông kết nối, nhất là giao thông đường thủy để phát huy lợi thế, đề xuất phương án nguồn vốn hỗ trợ tỉnh kết nối với các tuyến quốc lộ; đồng thời Tỉnh chủ động cân đối vốn đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

6. Về vốn đầu tư xây dựng bờ kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu): Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về hỗ trợ Tỉnh đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn trên địa bàn 02 huyện Phước Long, Vĩnh Lợi: Thực hiện theo công văn số 1681/TTg-KTTH ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Về sử dụng vốn của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cấp tuyến đê biển và 24 cống kiểm soát mặn, chống triều cường trên tuyến đê biển (đoạn qua địa bàn Tỉnh): Đồng ý về chủ trương, Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về đầu tư Cảng Gành Hào: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh xem xét, nghiên cứu khả năng và sự cần thiết xây dựng thành cảng hàng hóa tổng hợp khi có đủ điều kiện theo quy định, bảo đảm kết nối vận tải hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản.

10. Đồng ý về nguyên tắc cơ chế sử dụng nguồn vốn xổ số kiến thiết của tỉnh Bạc Liêu; Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Về việc đưa Dự án nhà máy nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất phương án thay thế bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12. Về đầu tư các dự án động lực: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ Tỉnh triển khai, thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu;

- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN;
- Lưu: VT, V.III (3b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 326/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 326/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/10/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản