Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3232/TB-BNN-ĐMDN

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY THỦY SẢN VIỆT NAM

Ngày 27/6/2012, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Phương án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Hội đồng thẩm định), chủ trì cuộc họp thẩm định Phương án Tái cơ cấu của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Tổng công ty).

Tham gia thẩm định có đại diện các đơn vị thuộc Bộ là thành viên Hội đồng thẩm định: Ban đổi mới và Quản lý DNNN, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Cục Chế biến thương mại NLS và nghề muối, Công đoàn Ngành Nông nghiệp và PTNT và Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.

Sau khi nghe Tổng công ty báo cáo tóm tắt Phương án Tái cơ cấu, ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; Báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:

1. Tổng công ty Thủy sản Việt Nam là doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhất trong số các tổng công ty 90 thuộc Bộ. Tổng công ty cần nhận thức sâu sắc về việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đây chính là dịp Tổng công ty tự chấn chỉnh, điều chỉnh lại hoạt động cho phù hợp với các chính sách của Đảng, Nhà nước và xu thế phát triển của nền kinh tế.

2. Tổng công ty tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh Phương án. Trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

- Ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty rà soát ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và ngành nghề phụ trợ còn lại thì loại bỏ. Trong đó tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính sách và chú ý đến việc tiêu thụ nội địa.

Công ty cổ phần Thủy sản Hà Nội (công ty con của Tổng công ty), với đơn vị này việc chế biến, sản xuất khó khăn do không có nguồn nguyên liệu, cần hướng vào đầu tư kinh doanh nội địa (Hoặc có thể nhập nguyên liệu chế biến, sản xuất hàng giá trị gia tăng để tái xuất).

- Tái cơ cấu đầu tư: từ việc xác định các nhóm ngành nghề trên, Tổng công ty xác định lại các lĩnh vực, dự án cần đầu tư. Các dự án đầu tư nếu không liên quan đến ngành nghề chính thì thực hiện thoái vốn. Những dự án đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài ngành nghề chính nếu có hiệu quả và phù hợp thì Tổng công ty thực hiện liên doanh, liên kết.

Tổng công ty cần xếp thứ tự ưu tiên cho việc đầu tư để tăng năng lực Công ty mẹ và tổ hợp mẹ - con. Điển hình đối với Công ty cổ phần Thủy sản Năm Căn (công ty con), đây là công ty rất thuận lợi vì nằm trong trung tâm vùng nguyên liệu nhưng trình độ quản lý yếu kém và máy móc rất lạc hậu, Tổng công ty cần có chiến lược, định hướng phù hợp.

- Trong thời gian tới Tổng công ty cần hướng tới liên kết với nông dân để có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định.

- Phương án của Tổng công ty không đề cập nhiều đến tài chính và công nợ nhưng Tổng công ty cần chú ý đến vấn đề này để có thể thực hiện cổ phần hóa vào năm 2013.

- Số liệu trong Phương án phải chi tiết, cụ thể hơn trên cơ sở kế hoạch 5 năm. Nếu Tổng công ty có những nhận định, đánh giá, nhận thức khác về tình hình kinh tế dẫn đến có sự điều chỉnh số liệu trong Phương án so với kế hoạch Bộ đã giao thì cần phải có giải trình, thuyết minh rõ.

Nội dung Phương án nêu rất nhiều vấn đề nhưng số liệu, biểu bảng không khớp, không phù hợp với nội dung. Tổng công ty cần xem xét lại các số liệu cho chặt chẽ và bổ sung thêm các báo cáo thuyết minh, các giải pháp thực hiện.

- Việc thoái vốn: đối với những đơn vị quá nhỏ, vốn nhà nước ít (vài chục triệu đồng) Tổng công ty nên thoái hết để giảm đầu mối quản lý. Những đơn vị lớn mà hoạt động không hiệu quả Tổng công ty cần xem xét lại và thay đổi cho phù hợp. Tổng công ty cũng cần lưu ý đến những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng có lợi thế.

Tập thể lãnh đạo Tổng công ty cần bàn bạc, thống nhất để đưa ra số lượng và lộ trình cụ thể việc thoái vốn, không nên quá chủ quan.

- Đối với các kiến nghị trong Phương án Tổng công ty không cần nêu vì những nội dung này đang được Bộ giải quyết. Tổng công ty cần nêu bổ sung một số kiến nghị như:

+ Cho phép Tổng công ty khai thác thế mạnh về tài sản đặc biệt là đất đai thông qua việc liên doanh liên kết để mang lại hiệu quả cao hơn nhằm tăng năng lực, thế mạnh của Tổng công ty.

+ Đề nghị Bộ cho phép Tổng công ty được tham gia làm cổ đông chiến lược tại Công ty thuốc Thú ý Trung ương và Xí nghiệp Thuốc Thú y Trung ương. Vì Tổng công ty có ngành nghề thuốc thú y thủy sản và thuốc thú y là cùng một nhóm đối tượng. Hơn nữa hai đơn vị này còn có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước nên rất thuận lợi trong kinh doanh khi cổ phần hóa.

3. Giao Ban Đổi mới và Quản lý DNNN hướng dẫn Tổng công ty tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện Phương án trình Bộ phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để Tổng công ty biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- CĐ Ngành NN&PTNT;
- Vụ: Tài chính, TCCB, Kế hoạch; Tổng cục Thủy sản, Cục CB TM NLS và nghề muối;
- Tcty Thủy sản Việt Nam;
- Lưu: VP, ĐMDN (3).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG – TRƯỞNG BAN
BAN ĐỔI MỚI VÀ QUẢN LÝ DNNN




Nguyễn Hữu Điệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 3232/TB-BNN-ĐMDN kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp thẩm định phương án tái cơ cấu Tổng công ty Thủy sản Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3232/TB-BNN-ĐMDN
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 06/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Hữu Điệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật