Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA

Ngày 27 tháng 8 năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Tham dự buổi họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian vừa qua; báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; báo cáo của Bộ Công an về tổng hợp TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, công tác điều tra, xử lý vi phạm và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tám tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng vừa phải phòng chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ của Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”, TNGT đã giảm sâu cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 9.170 vụ TNGT, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người; so với 8 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%).

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã vào cuộc quyết liệt thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 năm 2020 đã liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do xe ô tô kinh doanh vận tải gây ra, trong đó có 5 vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đắk Nông, Kon Tum, Bình Thuận, Quảng Bình, Hà Nội, làm chết 37 người và bị thương 70 người, gây bức xúc trong nhân dân.

2. Nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

- Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn nêu trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng tuyến đăng ký, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng hoá quá tải trọng cho phép của xe, tình trạng sức khoẻ không đảm bảo, lái xe quá thời gian quy định; người lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện; lái xe thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện khi đi trên đoạn đường đèo dốc; đơn vị kinh doanh vận tải buông lỏng quản lý, không thực hiện quy định về bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải.

- Ngoài ra, việc xảy ra các vụ TNGT nêu trên cần xem xét nguyên nhân khác, đó là 3 trong tổng số 5 vụ TNGT nêu trên xảy ra vào thời điểm ban đêm hoặc sáng sớm; hầu hết hành khách ngồi trên xe ô tô chở khách không thắt dây an toàn; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ vẫn còn phổ biến; trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa cao; công tác quản lý trật tự lòng, lề đường, hành lang ATGT chưa tốt; các đơn vị thi công lòng, lề đường gây trở ngại giao thông; còn tình trạng buông lỏng trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để ngăn chặn, giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải, thực hiện mục tiêu kéo giảm 10% cả về số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương so với năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ; Công điện số 949/CĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; trong đó tập trung thực hiện ngay một số biện pháp sau:

1. Bộ Giao thông vận tải

- Báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị có lái xe điều khiển phương tiện gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 01 năm 2019 đến hết tháng 7 năm 2020; chú trọng việc kiểm tra, xử lý đối với vi phạm của chính phương tiện gây TNGT trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm đối với chủ xe có hành vi giao phương tiện kinh doanh vận tải cho lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải; báo cáo về Ủy ban ATGT Quốc gia trước ngày 15 tháng 9 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo tại phiên họp sơ kết ATGT 9 tháng đầu năm 2020.

- Nghiên cứu nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình bảo đảm cập nhật thông tin về phương tiện kinh doanh vận tải để trích xuất dữ liệu hàng ngày, làm căn cứ xử lý vi phạm (đặc biệt là đối với phương tiện chạy sai hành trình đã đăng ký).

- Tiếp tục xử lý các điểm đen về TNGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các điểm đen, đường tránh nạn, hộ lan, gương cầu lồi, biển cảnh báo chỉ dẫn tại các vị trí xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, kể cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; tiếp tục nghiên cứu phương án lắp đặt dải phân cách giữa đoạn Quốc lộ 1A từ Phan Thiết đi Đồng Nai (khoảng 43,7km) gắn với đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn.

- Nghiên cứu bổ sung Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải; bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm sức khoẻ cho lái xe.

- Chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện dán thẻ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với xe ô tô khi đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc.

2. Bộ Công an

- Báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây TNGT nghiêm trọng trở lên từ tháng 01 năm 2019 đến hết tháng 7 năm 2020; báo cáo về Ủy ban ATGT Quốc gia trước ngày 15 tháng 9 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo tại phiên họp sơ kết ATGT 9 tháng đầu năm 2020.

- Duy trì hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị phụ trách các tuyến đường đối với tình hình vi phạm TTATGT của xe kinh doanh vận tải.

- Tiếp tục triển khai đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên những đoạn tuyến còn lại của Quốc lộ 1A, trước mắt ưu tiên đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Báo cáo kết quả điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong công tác khám sức khoẻ cho người học lái xe.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang ATGT các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang ATGT; người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để các sai phạm về hành lang ATGT dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

- Chỉ đạo các cơ quan thành viên và Ban ATGT các tỉnh, thành phố sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ, tổng hợp, báo cáo về Ủy ban ATGT Quốc gia trước ngày 20 tháng 9 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo tại phiên họp sơ kết ATGT 9 tháng đầu năm 2020.

- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các địa phương có tình hình giao thông phức tạp; kiểm tra chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm; đảm bảo thành phần đoàn kiểm tra có các lực lượng chức năng có thể xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (khi cần thiết).

5. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tuyên truyền chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và lái xe nắm được các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa; vận động người dân kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải không tuân thủ các quy định về bảo đảm TTATGT; yêu cầu mọi người thắt dây an toàn khi đi xe ô tô.

6. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tham gia góp ý, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho lái xe; tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và lái xe kinh doanh vận tải ô tô; tuyên truyền, vận động đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dán thẻ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải để hạn chế ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: CA, QP, GTVT, TP, KHĐT, TC, TTTT, Y tế, GDDT, VHTT&DL;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia
- Báo Nhân dân, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN;
- Hiệp hội Vận tải ô tô VN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTDT, các Vụ: TH, PL, NC, KGVX;
- Lưu: VT,CN(2)PVC

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 315/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 315/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/09/2020
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản