Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3147/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NƯỚC LỢ

Ngày 25/6/2012, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các Chi cục Nuôi trồng thủy sản/Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y các tỉnh nuôi tôm trọng điểm, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, Viện Môi trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh thức ăn, giống thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và ý kiến của các đơn vị về tình hình triển khai phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng, gây thiệt hại lớn, đe dọa ngành nuôi tôm của nước ta. Vì vậy nhiệm vụ nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh, đề ra các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ người dân đối phó với dịch bệnh tôm là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên số một của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, Viện Môi trường Nông nghiệp, Cục Thú y phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số một, huy động mọi nguồn lực nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh một cách sớm nhất làm cơ sở khoa học phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

2. Tổng cục Thủy sản bố trí lực lượng gấp rút tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất quy trình nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu dịch bệnh để phổ biến cho các địa phương thực hiện. Phối hợp với các địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ người nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

3. Cục Thú y chỉ đạo, hướng dẫn các Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Thú y các địa phương điều tra dịch tễ, phát hiện các ổ dịch, lấy mẫu, gửi mẫu về các cơ quan Trung ương để kịp thời xác định nguyên nhân gây bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh ở các địa phương.

4. Các cơ quan, đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh trên tôm. Giao Tổng cục Thủy sản là cơ quan duy nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp và phổ biến các thông tin về phòng chống dịch bệnh trên tôm.

5. Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương và chính quyền cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến từng thôn ấp, khi phát hiện ao/đầm có dấu hiệu bị bệnh phải báo ngay cho cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương, tổ chức bao vây và xử lý ngay ổ bệnh không để lây lan.

- Xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên các vùng nuôi tôm để phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh hàng tuần về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nuôi tôm nước lợ.

- Là cơ quan chính thức làm đầu mối cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, tránh hiện tượng nhiễu loạn về thông tin dịch bệnh.

- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh tôm giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.

- Cypermethrin là một tác nhân gây tôm chết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sử dụng  Cypermethrin trong nuôi trồng thủy sản. Đề nghị các địa phương tuyên truyền phổ biến tới tận người dân và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện ở từng cơ sở nuôi, cũng như việc sử dụng hoạt chất này trong cây trồng trên địa bàn.

- Tham mưu cho UBND tỉnh huy động các lực lượng và phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường đại học về cơ sở làm việc trực tiếp với người dân, hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để ổn định sản xuất.

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các vùng nuôi tôm, quy hoạch vùng nuôi tôm để đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng và đề xuất những giải pháp phù hợp để điều chỉnh lại cơ sở hạ tầng.

- Tham gia cùng Tổng cục Thủy sản đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết cho người nuôi tôm bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- UBND tỉnh Trà Vinh;
- TTr. Vũ Văn Tám (để b/c);
- Thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh tôm nước lợ;
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Thú y;
- Viện NC NTTS 1, 2 và 3;
- Viện MTNN;
- Sở NN và PTNT các tỉnh ven biển;
- Lưu: VT, TCTS.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 3147/TB-BNN-VP kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3147/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản