Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 310/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN VỀ KẾ HOẠCH XÂY DỰNG MỘT SỐ BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG VÀ VÙNG

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14 tháng 8 năm 2013, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về Kế hoạch xây dựng một số bệnh viện Trung ương và Vùng. Dự họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo nội dung chính của Đề án đầu tư xây dựng một số bệnh viện Trung ương sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:

1. Về Đề án đầu tư xây dựng một số bệnh viện Trung ương sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với nội dung chính của Đề án. Các mục tiêu đầu tư, tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư cơ bản là phù hợp, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng sau đây để trình Thủ tướng Chính phủ:

- Về mục tiêu: Xây dựng một số bệnh viện mới, hiện đại thuộc 5 chuyên khoa đang quá tải (tim mạch, ung bướu, ngoại - chấn thương, sản, nhi) trên cơ sở các bệnh viện đã có uy tín cao trong các lĩnh vực liên quan, vừa góp phần tích cực giảm tải ở 5 chuyên khoa, vừa tạo cơ hội khám bệnh, chữa bệnh với trình độ cao ở khu vực cho người dân Việt Nam. Xác định rõ đối tượng phục vụ và cơ chế tài chính phù hợp, có khả năng tự chủ cao về tài chính.

- Về tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư cụ thể, cần quy định rõ: Bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng; trở thành trung tâm y tế đầu ngành, có thiết bị hiện đại, đủ diện tích đất tối thiểu, có kết nối giao thông thuận lợi.

- Về danh mục dự án đầu tư cụ thể:

+ Về danh mục, chọn 4 dự án sau: Tại khu vực Hà Nội, có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Trung ương theo mô hình kết hợp quân - dân y đặt tại khuôn viên Bệnh viện 175. Có thể xem xét thêm bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2.

+ Đối với từng dự án cụ thể: Nêu rõ sự cần thiết, yêu cầu thiết kế (suất đầu tư, quy mô giường bệnh, diện tích, trình độ công nghệ), chuẩn bị nhân lực, cơ chế vận hành sau khi đưa vào sử dụng (đối tượng phục vụ, quản trị bệnh viện, cơ chế tài chính, sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước, đánh giá chất lượng).

- Về vốn: Không vượt quá 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có khoảng 20% là vốn dự phòng (không đầu tư vào các bệnh viện đang sử dụng các nguồn vốn đầu tư khác).

- Về cơ chế đặc thù: Làm rõ yêu cầu phải có cơ chế đặc thù trong quá trình lập và triển khai dự án. Thiết kế phải có sự tham gia của công ty nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín trong thiết kế bệnh viện. Cung cấp trang thiết bị cơ bản đấu thầu quốc tế. Về xây dựng, ưu tiên nhà thầu Việt Nam. Bộ Y tế cần làm rõ trong các điều kiện nào thì không áp dụng biện pháp đấu thầu tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công, giám sát.

- Về phương thức quản lý các dự án đầu tư cụ thể: Đây là khâu quyết định tiến độ và chất lượng dự án xây dựng các bệnh viện. Bộ Y tế cần xác định các phương thức quản lý dự án phù hợp nhất, trong đó phải có trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư là bệnh viện. Trong Ban quản lý dự án, phải có Giám đốc bệnh viện.

- Về tiến độ triển khai dự án: Căn cứ vào đặc điểm bệnh viện, vị trí đầu tư diện tích đất, Bộ Y tế cần dự kiến tiến độ thực hiện từng dự án đầu tư, nhu cầu vốn dự kiến cho từng giai đoạn, làm đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Về quản lý Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Đề án; hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Đề án. Bộ Y tế quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành giúp tổ chức triển khai Đề án.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Đề án (kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 8 năm 2013.

2. Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng bố trí vốn cho Đề án này.

3. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch bệnh viện đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý IV năm 2013; đồng thời xây dựng báo cáo về nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp các bệnh viện có tính chuyên sâu, cần tập trung vốn đầu tư (hiện đang thiếu vốn), trình Thủ tướng Chính phủ trong thảng 9 năm 2013.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch & ĐT, Xây dựng, Tài nguyên & MT;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (03).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Khắc Định

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 310/TB-VPCP năm 2013 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về Kế hoạch xây dựng bệnh viện Trung ương và Vùng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 310/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 15/08/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khắc Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản