Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 310/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ MÔ HÌNH LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG, THỦY SẢN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 24 tháng 7 năm 2012, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị về cơ chế, chính sách và mô hình liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Hiệp hội Lương thực, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Công Thương và ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng có ý kiến kết luận như sau:

1. Nông nghiệp, nông thôn luôn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nên được Đảng, Nhà nước luôn tập trung quan tâm chỉ đạo. Trong thời gian khủng khoảng kinh tế vừa qua, nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đang từng bước đi vào cuộc sống góp phần tạo tăng trưởng nông nghiệp cao, ổn định và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách đã bộc lộ những tồn tại hạn chế và thực tiễn đã xuất hiện những vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh chính sách, tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

2. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản và trái cây của cả nước đã đóng góp lớn và tạo tăng trưởng của ngành nông nghiệp liên tục ổn định và ở mức cao và xuất khẩu nông sản (xuất khẩu nông sản cả nước năm 2011 đạt 26 triệu đôla Mỹ). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và chưa thực sự bền vững. Vì vậy, phải nhanh chóng có những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết được những khó khăn trước mắt; đồng thời, phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế của Vùng, huy động sự đóng góp cúa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế để phát triển nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, nông thôn.

3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ:

a) Rà soát chính sách hiện có và tổng kết thực tiễn để kiến nghị bổ sung, sửa đổi, ban hành chính sách mới cho phù hợp.

b) Nghiên cứu, ban hành tiêu chí xác định sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của quốc gia và vùng để làm cơ sở xác định, lựa chọn sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và có cơ chế, chính sách cho phù hợp.

c) Rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch sản xuất nông, thủy sản của cả vùng, cả ngành trên cơ sở xác định các loại cây, con chủ lực của từng địa phương từng vùng; tổ chức chỉ đạo sản xuất theo quy hoạch đã được phê duyệt, khắc phục tình trạng sản xuất tự phát không theo quy hoạch. Trước mắt, tập trung quy hoạch đối với các sản phẩm chủ lực lúa gạo, cá tra, cá ba sa và cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long.

d) Sớm tổng kết, đánh giá hiệu quả việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trước hết là tỉnh An Giang; đề xuất, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ mô hình cơ chế, chính sách và phương án khả thi để triển khai, nhân rộng.

đ) Kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, gạo; tổng kết việc triển khai thực hiện các Quyết định 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, bổ sung danh mục máy móc, thiết bị cần phải hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu và kịp thời cung cấp thông tin thị trường nông sản, trước hết là lúa gạo, cá tra, trái cây cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, gắn sản xuất với thị trường và xuất khẩu; nghiên cứu hỗ trợ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa gạo, cá tra, trái cây và các sản phẩm trọng điểm của vùng.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách chuyển đổi cây trồng đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả nhưng vẫn duy trì bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa theo quy định của Quốc hội, Chính phủ.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương triển khai và tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với sản phẩm trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long để đề xuất các giải pháp phù hợp; nghiên cứu, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nguôn vốn tín dụng đầu tư nhà nước cho kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trạm bơm điện; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế tạm trữ, nhất là lúa gạo, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập “Quỹ bình ổn giá lúa, gạo” nhằm góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo Việt Nam.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời lựa chọn, thực hiện thí điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới (trước hết trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cá tra, cây ăn trái) tại một số địa phương.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể phù hợp; xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết sản xuất sản phẩm của địa phương phù hợp với lợi thế của vùng, quốc gia và các quy hoạch chung đã được phê duyệt; lựa chọn và tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các sản phẩm trọng điểm của địa phương, vùng.

9. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ việc giải quyết khó khăn đối với sản xuất, thu mua cá tra cho người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

VPCP xin thông báo để các cơ quan và các địa phương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTg: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh (để báo cáo);
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT, Công Thương;
- UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và tp Hồ Chí Minh;
- NHNNVN;
- NHPTVN;
- Các Hiệp hội: Lương thực, Chế biến và xuất khấu thủy sản VN;
- VPCP: BTCN, các PCN: Văn Trọng Lý, Phạm Viết Muôn; các Vụ: KTTH, TH ĐP;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn