Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 306/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP CHỈ ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠN BÃO SỐ 9 Ở CÁC TỈNH THUỘC MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

Ngày 01 tháng 10 năm 2009, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 9 ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo, đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum; đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Quân khu V. Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và ý kiến của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

1. Bão số 9, là cơn bão mạnh, với sức gió vùng gần tâm bão khi tiếp bờ mạnh cấp 11, 12, giật trên cấp 12, phạm vi ảnh hưởng rộng, diễn biến phức tạp, gây mưa lớn trên diện rộng, có sức tàn phá lớn.

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã dự báo kịp thời những diễn biến của bão, công tác chỉ đạo chống bão được quán triệt từ Trung ương đến địa phương và toàn thể nhân dân với tinh thần chủ động, tích cực phòng, tránh bão nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại, trước hết là thiệt hại về người. Các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp: di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm như vùng thường xuyên ngập sâu, vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, kết quả đã di dời được trên 130.000 hộ với trên 356.000 người; bằng mọi biện pháp liên lạc, kêu gọi, hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn cho hơn 46.500 tàu thuyền, trên 193.600 lao động; thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước. Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão nên đã giảm được nhiều thiệt hại.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn mà nòng cốt là Bộ đội, Công an và các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân vùng ảnh hưởng của bão; các lực lượng: Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 3, Sư đoàn Không quân 372 và sự cố gắng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Tuy vậy, do bão quá lớn nên đã gây thiệt hại hết sức nặng nề, làm nhiều người chết, mất tích, bị thương, nhiều nhà cửa bị sập, ngập, hư hỏng, hàng chục ngàn ha lúa bị ngập, hư hại, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết, bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa và tài sản.

2. Nhiệm vụ sắp tới

Nhiệm vụ sau bão là tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả nhiệm vụ nêu trong Công điện số 1794/CĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2009 và Công điện số 1802/CĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh các công việc sau đây:

a. Tiếp tục rà soát nắm tình hình các vùng bị ngập sâu, vùng bị cô lập, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và chăm lo đời sống nhân dân các vùng này; đặc biệt cần triển khai mọi biện pháp liên lạc, bảo đảm an toàn tính mạng và cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh cho nhân dân 13 xã bị chia cắt của tỉnh Kon Tum.

b. Tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa những người bị thương; tổ chức động viên thăm hỏi, hỗ trợ vật chất kịp thời cho những hộ gia đình bị thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản từ nguồn ngân sách Trung ương theo mức quy định tại Quyết định số 67/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với ngân sách địa phương và các nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói do thiếu lương thực.

c. Bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa. Huy động các cơ quan, đoàn thể của địa phương phối hợp với lực lượng Bộ đội, Công an đang đóng quân trên địa bàn, vận động nhân dân hỗ trợ giúp nhau xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm chỗ ở cho nhân dân.

d. Làm vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, để phòng dịch bệnh. Bộ Y tế chỉ đạo cấp đủ cơ số thuốc khử trùng nước uống, thuốc chữa bệnh cho các địa phương; đồng thời cử các đoàn công tác xuống các địa bàn bị bão, lũ giúp đỡ địa phương thực hiện công tác y tế và vệ sinh môi trường.

đ. Khẩn trương khôi phục lại các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với địa phương huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng giải tỏa các ách tắc, thông tuyến đường sắt Bắc Nam, các tuyến đường bộ: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A và các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ bị hư hại do bão, lũ.

Quân đoàn 3 đã khẩn trương xây dựng cầu phao thay thế cầu Kon Prai bị lũ cuốn trôi, đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 24. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí kinh phí hỗ trợ cho Quân đoàn 3.

- Khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng như: hệ thống cung cấp điện, các công trình cấp nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc, bệnh xá, trường học.

e. Nhanh chóng phục hồi sản xuất:

- Tận thu những trà lúa có thể còn thu hoạch được để giảm bớt thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, tổ chức làm vệ sinh đồng ruộng, san lấp những diện tích bị bồi lấp, chuẩn bị giống triển khai ngay gieo trồng cây vụ Đông.

- Các tỉnh chủ động các nguồn vật tư nông nghiệp: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, giống lúa và giống các cây trồng khác để cung cấp cho nhân dân, kiên quyết canh tác thắng lợi vụ Đông 2009.

g. Các Bộ, ngành và địa phương cần rút kinh nghiệm qua việc chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 9, trong đó tập trung vào công tác dự báo, thông tin liên lạc, di dời sơ tán dân, neo đậu tàu thuyền, thực hiện phương châm 4 tại chỗ.

h. Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương rà soát lại quy hoạch dân cư tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, có phương án di dời, tái định cư đối với những vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập sâu để từng bước triển khai thực hiện.

i. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan sớm xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, trong đó quy định chặt chẽ quy trình tích nước hàng năm, đặc biệt là các hồ thủy điện để kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với việc cắt giảm lũ cho hạ lưu, không để xảy ra tình trạng tăng thêm áp lực lũ khi hạ lưu đã bị ngập lụt nghiêm trọng.

3. Hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lũ

Giao Bộ Tài chính trích 460,0 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009; xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia, hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 9 (thực hiện cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, mua giống khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh).

Phân bổ cụ thể cho các tỉnh, thành phố: Quảng Bình: 20,0 tỷ đồng và 500 tấn gạo, Quảng Trị: 40,0 tỷ đồng và 900 tấn gạo, Thừa Thiên Huế: 60,0 tỷ đồng và 500 tấn gạo, Đà Nẵng: 40,0 tỷ đồng và 200 tấn gạo, Quảng Nam: 100,0 tỷ đồng và 2.500 tấn gạo, Quảng Ngãi: 80,0 tỷ đồng và 2.500 tấn gạo, Bình Định: 20,0 tỷ đồng và 1.400 tấn gạo, Kon Tum: 100,0 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan và các địa phương biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: CA, QP, CT, KH và ĐT, TC, GTVT, NN và PTNT, TN và MT, LĐ-TB&XH;
- UBND các tỉnh, TP: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, ĐP, NC, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KTN (5).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc