Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Ngày 14 tháng 9 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án Định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Tài chính. Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận:

1. Biểu dương và đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan tại các buổi làm việc trước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Chất lượng của dự thảo Đề án lần này đã được nâng lên rõ rệt.

2. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án theo hướng:

- Thể hiện được du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang đậm dấu ấn văn hóa, hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị trường; đánh giá, phân tích rõ hơn những tồn tại, yếu kém, nhất là những yếu kém về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực cho du lịch, công tác quản lý nhà nước, vấn đề phối hợp ngành, liên kết vùng...; về tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch, cần nhấn mạnh đến lợi thế của quốc gia được đánh giá là điểm đến an ninh, an toàn, thân thiện, có chế độ chính trị xã hội ổn định, nằm trong khu vực kinh tế năng động, đang hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thế giới.

- Về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có sự đổi mới về nhận thức, tư duy phát triển du lịch, chú ý đến tính chuyên nghiệp, tính bền vững và tính trọng điểm trong đầu tư phát triển du lịch.

- Về các nhiệm vụ, giải pháp: tập trung làm rõ các giải pháp về tái cơ cấu ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020, dựa trên 3 trọng điểm là: hạ tầng du lịch; loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm và có thể chế, chính sách để huy động cao độ các nguồn lực xã hội, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước để phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá, phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch phù hợp với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; làm rõ các chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 24 tháng 9 năm 2016, để xem xét, quyết định trình Bộ Chính trị.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư;
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ: VHTTDL, CA, QP, KHĐT, TC, GTVT, NG, LĐTBXH;
- Ban Kinh tế TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN, V.III;
- Lưu: VT, KGVX(3), đđt

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà