Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 292/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ PHỐI HỢP NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC
Ngày 10 tháng 7 năm 2012, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, cơ quan về Chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Tây Bắc là địa bàn chiến lược rộng lớn, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Đây là chiến khu cách mạng, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với truyền thống văn hóa, lịch sử quý báu. Tuy đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, tập trung đầu tư, nhưng hiện nay Tây Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất, với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước và là một trong những vùng mà thực tiễn phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, nóng bỏng nhất. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Bắc, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp đã ban hành; chú trọng giải pháp về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy Tây Bắc phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc trong vùng.
2. Xây dựng,và triển khai Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc là yêu cầu bức thiết. Đây là Chương trình nghiên cứu tổng thể, ứng dụng triển khai có quy mô lớn và toàn diện, phức tạp, đòi hỏi các Bộ, cơ quan, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, các luận cứ, mô hình, giải pháp khoa học - công nghệ cụ thể, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.
3. Đồng ý với đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan về việc Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì tổ chức xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Đây là trách nhiệm, là cơ hội để Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy thế mạnh về nghiên cứu và lợi thế về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng. Trước mắt, Đại học Quốc gia Hà Nội cần khẩn trương lấy ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân 14 tỉnh vùng Tây Bắc; tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh bản Thuyết minh Đề cương nghiên cứu của Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thuyết minh Chương trình phải xác định rõ mục tiêu, nội dung nghiên cứu; các nhóm sản phẩm cụ thể phải có tính ứng dụng cao, có hiệu quả thiết thực, cụ thể; các mô hình triển khai ứng dụng phải phù hợp với đòi hỏi cụ thể của sản xuất và đời sống của nhân dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển vùng Tây Bắc.
Đại học Quốc gia Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức tốt lực lượng nghiên cứu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Chính phủ, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2013 đến năm 2015.
4. Thành lập Hội đồng tư vấn gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế để tư vấn cho Ban Chủ nhiệm Chương trình, đảm bảo các chủ trương và giải pháp về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan được triển khai đầy đủ, hiệu quả, không trùng lắp; kế thừa kết quả của các chương trình, đề án nghiên cứu trước đó về vùng Tây Bắc.
5. Bộ Tài chính bố trí ngân sách thực hiện Chương trình từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học - công nghệ; hướng dẫn Đại học Quốc gia Hà Nội xác định các nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch kinh phí thực hiện hàng năm theo quy định hiện hành; đảm bảo sử dụng kinh phí có hiệu quả, thiết thực; chú trọng huy động nguồn lực từ các nguồn hợp pháp khác.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 292/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 292/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 14/08/2012
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra