Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 289/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ KINH TẾ TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO LẦN THỨ NHẤT NĂM 2016

Ngày 26 tháng 8 năm 2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) đã chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ nhất năm 2016. Tham dự cuộc họp có các ủy viên BCĐLNKT (Tổng Thư ký BCĐLNKT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế) và đại diện các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công An, Quốc phòng, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe các báo cáo của Lãnh đạo Bộ Công Thương về tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); tình hình hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua, định hướng nhiệm vụ thời gian tới, và các ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận:

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng theo tinh thần tích cực và chủ động, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm với độ mở kinh tế khá lớn. Đặc biệt, trong năm 2015-2016, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi nhiều FTA với sự tham gia của hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các cơ hội từ FTA và nâng cao sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, BCĐLNKT cần thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan phối hợp liên ngành, trong đó tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ sau:

1. Tham mưu, đề xuất về đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các hiệp định thương mại tự do: Giao Tổng Thư ký BCĐLNKT và Văn phòng Ban Chỉ đạo:

a) Xây dựng nghiên cứu, báo cáo, tham mưu đề xuất cho Trưởng Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định các đối tác cần đàm phán FTA trong thời gian tới. Tổng hợp và báo cáo riêng về những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình đàm phán 4 FTA hiện nay (gồm RCEP, ASEAN- Hồng Kông, Việt Nam- EFTA, Việt Nam- Ixrael), trong đó tập trung nghiên cứu và đánh giá thêm về đàm phán FTA Việt Nam- Ixrael.

b) Xây dựng báo cáo, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng tiến độ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) trong bối cảnh quốc tế hiện nay, từ đó đề xuất tiến độ và thời gian phê chuẩn hiệp định của Việt Nam cho phù hợp.

c) Nghiên cứu và xây dựng báo cáo rà soát tổng thể về tình hình thực thi các cam kết FTA. Đề xuất, kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp thực thi hiệu quả các cam kết nhằm nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

d) Tổ chức đánh giá sự tham gia của Việt Nam kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31 tháng 12 năm 2015 đến nay, chú trọng về tác động đối với dòng thương mại của Việt Nam trong ASEAN thông qua các số liệu thống kê của Việt Nam, xác định nguyên nhân, dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

đ) Xây dựng báo cáo độc lập (bên cạnh báo cáo của Bộ Tư pháp) trình Trưởng Ban Chỉ đạo và Thủ tướng chính phủ về rà soát hệ thống pháp luật trong nước để chuẩn bị thực thi TPP và EVFTA sau khi được phê chuẩn, kiến nghị lộ trình sửa đổi hoặc bổ sung nội dung các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp với các cam kết, đặc biệt với những vấn đề mới (như sở hữu trí tuệ, lao động công đoàn...), khuyến cáo sự chuẩn bị của doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, sự chuẩn bị về đào tạo nhân lực của các Bộ, ngành...

2. Công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế: Giao Văn phòng BCĐLNKT chủ trì:

a) Hoàn thiện, nâng cấp và cập nhật thường xuyên thông tin trên trang điện tử của BCĐLNKT, trong đó chú trọng sự tương tác với doanh nghiệp và người dân, đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng (tra cứu, phổ biến thông tin...).

b) Biên soạn các tài liệu, cẩm nang tích hợp các FTA theo chiều dọc về từng ngành, lĩnh vực cụ thể (như thuế quan, dịch vụ...).

c) Tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và hiệp hội, xuất bản Tạp chí Hội nhập...

d) Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan truyền thông (như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...) để kịp thời đăng tải các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế.

đ) Xây dựng đề án và tổ chức Diễn đàn về hội nhập kinh tế quốc tế thường niên (mỗi năm một lần) do BCĐLNKT chủ trì với sự tham dự đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế...

e) Xây dựng báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở thiết lập cơ chế thông tin với các Bộ, ngành và địa phương về các nội dung hội nhập kinh tế quốc tế cần triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành.

3. Củng cố và kiện toàn BCĐLNKT, Văn phòng BCĐLNKT

a) Giao Văn phòng BCĐLNKT phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Trưởng Ban Chỉ đạo phương án kiện toàn BCĐLNKT gồm: tờ trình về thành viên BCĐLNKT kèm theo dự thảo Quy chế sửa đổi bổ sung, trong đó ngoài các Ủy viên BCĐLNKT theo Quyết định số 04/QĐ-BCĐLNKT ngày 09 tháng 01 năm 2015, xem xét bổ sung thành viên là đại diện một số cơ quan quan trọng liên quan trực tiếp về hội nhập kinh tế quốc tế như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường...

b) Giao Văn phòng BCĐLNKT phối hợp Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế tham mưu, đề xuất, trình Trưởng Ban Chỉ đạo kiện toàn danh sách Nhóm cộng tác viên của BCĐLNKT kèm theo Quy chế hoạt động và cơ chế thù lao phù hợp. Trong đó, các thành viên của Nhóm cần bao gồm các cố vấn cấp cao và các thành viên đoàn đàm phán TPP và EVFTA...

c) Văn phòng BCĐLNKT khẩn trương hoàn thành các thủ tục để ổn định tổ chức, ban hành Quy chế, chức năng, nhiệm vụ và phân công phân nhiệm cụ thể các Phòng chức năng và bổ nhiệm các cán bộ quản lý. Thời hạn hoàn thành trước ngày 15 tháng 9 năm 2016.

d) Tổ chức họp BCĐLNKT định kỳ 6 tháng một lần và họp đột xuất khi cần thiết. Văn phòng BCĐLNKT phối hợp Văn phòng Chính phủ chuẩn bị nội dung và tổ chức phiên họp tiếp theo của BCĐLNKT vào cuối năm 2016.

4. Về kinh phí hoạt động: Bộ Tài chính bố trí thêm kinh phí đặc thù cho BCĐLNKT đối với các Đề án, công việc lớn do Trưởng Ban Chỉ đạo giao nêu trên với tinh thần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định hiện hành, bên cạnh đó cần huy động các nguồn tài trợ của các dự án, các tổ chức quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các thành viên BCĐLNKT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT;
- Các Vụ: KTN, KTTH, PL, TH;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b). TB

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng