Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 285/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC TRỰC TUYẾN VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI BÌNH
Ngày 26 tháng 8 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Cùng tham dự với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2009 và một số đề nghị; ý kiến của Văn phòng Chính phủ sau khi đã trao đổi, tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan về hướng xử lý những đề nghị trên của Tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thời gian qua, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2009 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá, trong đó: ngành Nông – Lâm – Thủy sản tăng 4,46% (Nông nghiệp tăng 3,11%, Thủy sản tăng 19,86%); Công nghiệp – Xây dựng tăng 14,32% (Công nghiệp tăng 14,64%, Xây dựng tăng 12,00%); Dịch vụ tăng 10,62%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.427 tỷ đồng (bằng 74,3% dự toán năm và tăng 28,0%) Tổng chi ngân sách địa phương 1.656,9 tỷ đồng (bằng 55,9% dự toán năm và tăng 45,3% so với cùng kỳ). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, số hộ nghèo giảm; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Tỉnh Thái Bình cần tập trung chỉ đạo phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Tập trung vào những định hướng và giải pháp cụ thể sau:
2. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2009.
3. Có các biện pháp tích cực, cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội cho đầu tư phát triển.
4. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, trước hết là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học, bệnh viện tuyến huyện, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
5. Tỉnh cần tập trung, chỉ đạo bảo đảm các điều kiện cần thiết cho học sinh trong năm học 2009 – 2010, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho sinh viên nghèo được vay vốn đi học.
6. Thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành giai đoạn 2011 – 2020, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
7. Tích cực triển khai các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ người nghèo, từng bước nâng cao mức sống của người dân.
III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc các tập đoàn đầu tư trong và ngoài nước được vào khoan khai thác thử nghiệm mỏ than tại Thái Bình: Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam khoan thử nghiệm, tính toán hiệu quả kinh tế, đánh giá tác động, môi trường, tác động vào ngành nông nghiệp của địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Về việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu và tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Hà Nam – Thái Bình với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn thuộc địa phận Thái Bình theo hình thức BT: Đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp vào danh mục trái phiếu chính phủ giai đoạn 2010 – 2015 để thực hiện.
3. Việc đầu tư Dự án đường cao tốc ven biển (đoạn 60km qua tỉnh Thái Bình) bằng nguồn vốn ODA: Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải lập dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt theo quy định để có căn cứ kêu gọi vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào Chương trình gọi vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
4. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư Dự án xây dựng 2 kè song song từ cảng Diêm Điền ra biển, tạo luồng sâu cho hoạt động của cảng, đồng thời tạo quỹ đất 2 bên kè do phù sa bồi lắng: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Thái Bình đánh giá hiệu quả kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về hỗ trợ kinh phí cứng hóa 2 tuyến đê 6, 7 và 260 km đê sông: Đồng ý về chủ trương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2010 – 2015 trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
6. Về hỗ trợ vốn để nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn của Tỉnh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đề xuất việc tăng mức cho vay không lãi từ ngân sách trung ương cho tỉnh Thái Bình nói riêng và các tỉnh Vùng nam đồng bằng sông Hồng nói chung để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc huy động thêm từ các nguồn vốn ODA để bố trí nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Thái Bình.
7. Về việc khai thác mỏ khí ngoài thềm lục địa vịnh Bắc Bộ, sử dụng nguồn khí này để phát triển các ngành công nghiệp sử dụng khí mỏ tại Khu công nghiệp Tiền Hải: Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện công tác khảo sát, thăm dò, xác định trữ lượng, đánh giá hiệu quả kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tiếp theo.
8. Về đưa 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy vào quy hoạch Khu kinh tế biển Quốc gia: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch.
9. Về việc cho phép tỉnh Thái Bình tiến hành các thủ tục pháp lý trình Chính phủ, Quốc hội tách 4 huyện (Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy) thành 8 huyện: Hưng Nhân và Duyên Hà, Đông Quan và Tiên Hưng, Quỳnh Côi và Phụ Dực, Thái Ninh và Thụy Anh: Đồng ý về chủ trương, Bộ Nội vụ làm việc cụ thể với Thái Bình về việc chia tách huyện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về hỗ trợ kinh phí để tỉnh Thái Bình tôn tạo khu Đền thờ nhà Trần, kịp đưa vào hoạt động vào năm 2010, hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long – Hà Nội xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và các Bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 285/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thái Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 285/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 09/09/2009
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra