Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 283/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN DANH HUY TẠI CUỘC HỌP BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI TUYẾN ĐƯỜNG SẮT VÀNH ĐAI PHÍA ĐÔNG

Ngày 24/8/2023, tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã chủ trì cuộc họp đầu kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) tuyến đường sắt vành đai phía Đông (Ngọc Hồi - Lạc Đạo). Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan, đơn vị: Vụ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), Vụ Vận tải, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Vụ Pháp chế, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Ban Quản lý dự án đường sắt (Ban QLDA đường sắt); Liên danh tư vấn TEDI - TRICC.

Sau khi nghe Ban QLDA đường sắt, Liên danh tư vấn trình bày báo cáo đầu kỳ NCTKT Dự án, ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy kết luận như sau:

1. Bộ GTVT ghi nhận sự nỗ lực của Ban QLDA đường sắt, Liên danh tư vấn và các cơ quan, đơn vị trong công tác lập Báo cáo NCTKT Dự án. Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan cho thấy tư vấn cần phải tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu đầu vào; nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng các nội dung Báo cáo NCTKT Dự án theo quy định.

2. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt và Liên danh tư vấn tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo giữa kỳ, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

- Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vành đai phía Đông phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với hệ thống GTVT khu vực vùng Thủ đô với cơ sở pháp lý định hướng phát triển là quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Về số liệu đầu vào, khẩn trương cập nhật thông tin, số liệu hiện trạng- Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát giao thông, xây dựng kịch bản phát triển, mô hình dự báo; chuẩn xác lại kết quả dự báo nhu cầu vận tải; trong đó làm rõ điểm đi, điểm đến (OD), nhu cầu vận tải tại các đầu mối có lưu lượng lớn, mật độ vận tải trên các đoạn tuyến, tuyến đường sắt, đặc biệt là số lượng hành khách, khối lượng xếp dỡ hàng hóa tại các ga đầu mối lớn trong các thời kỳ tương lai.

- Nghiên cứu, tính toán, đề xuất phương án tổ chức chạy tàu tối ưu gắn với các giai đoạn hình thành mạng lưới đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, gắn với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; nghiên cứu làm rõ phương án khai thác chung đường sắt đô thị, đường sắt ngoại ô với đường sắt quốc gia để phát huy hiệu quả đầu tư.

- Về lựa chọn cấp kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu của dự án: cần nghiên cứu đề xuất theo hướng đồng bộ, hiện đại và có tính mở đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả các tuyến đường sắt trong khu đầu mối (bao gồm cả đường sắt nội, ngoại ô). Lựa chọn cấp kỹ thuật, công nghệ, thông tin tín hiệu cần tính toán đến phương án khai thác chung, đảm bảo năng lực thông hành, khả năng tương thích với các loại tàu khi chạy chung với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị.

- Cơ bản thống nhất hướng tuyến bám theo vành đai 4. Các tuyến nhánh kết nối phải nghiên cứu, đề xuất cụ thể, đồng bộ với các ga, depot, đầu mối vận tải, đảm bảo đáp ứng năng lực thông qua yêu cầu, tiết kiệm chi phí đầu tư, hiệu quả khai thác vận tải. Giải pháp thiết kế kết cấu cần phân tích, so sánh về kinh tế - kỹ thuật để đề xuất lựa chọn.

- Tính toán, đề xuất tải trọng, độ dốc thiết kế trên cơ sở sức kéo lựa chọn định hướng về tổ chức khai thác, lập tàu hàng bảo đảm hợp lý, hiệu quả. Nghiên cứu, so sánh phương án thiết kế công trình (cầu, hầm, nút giao,...) bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.

- Về phạm vi, quy mô đầu tư: phải tính toán, xác định cụ thể; đối với ga Lạc Đạo rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu vận tải để xác định phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp.

- Giải pháp thiết kế các ga, trong đó có ga Lạc Đạo cần nghiên cứu vị trí đảm bảo khai thác thuận lợi, hiệu quả; tính toán mặt bằng tổng thể các ga bảo đảm thể hiện đầy đủ, chi tiết các phân khu chức năng (quảng trường ga, nhà ga, sân bãi, khu xếp dỡ hàng hóa, đề pô đầu máy - toa xe, trạm điện, các tuyến đường sắt và giao thông đối ngoại kết nối với khu ga,...) và tính toán diện tích bảo đảm đáp ứng năng lực khai thác.

3. Về triển khai các công việc tiếp theo

- Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo giữa kỳ đảm bảo theo yêu cầu, đề nghị Ban QLDA đường sắt làm việc với các các địa phương và đơn vị liên quan về vị trí, phạm vi, quy mô công trình tuyến, ga đường sắt và các công trình liên quan để thống nhất tích hợp vào quy hoạch tỉnh làm cơ sở quản lý quỹ đất dành cho phát triển đường sắt.

- Yêu cầu Ban QLDA đường sắt tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ, nhân sự để nâng cao chất lượng thiết kế, đẩy nhanh tiến độ lập dự án.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT báo cáo để các cơ quan, đơn vị biết và phối hợp, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr Nguyễn Danh Huy (để b/c);
- Chánh văn phòng (để b/c);
- Các đơn vị dự họp;
- Lưu: VT, Vụ KHĐTPHUONGNN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Thị Kiều Nguyệt