Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ

Ngày 10 tháng 01 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

Để đưa chủ trương thực hiện tái đầu tư công sớm đi vào thực tiễn, việc hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư PPP cần khẩn trương thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất tích cực làm đầu mối tổng hợp các đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Nghị định về đầu tư PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, trực tiếp làm việc với các Bộ đã có kinh nghiệm triển khai các dự án BOT hoặc có nhiều dự án tiềm năng (như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải); đồng thời, gửi dự thảo Nghị định để lấy thêm ý kiến của các tổ chức quốc tế, một số công ty tư vấn và nhà đầu tư PPP quốc tế tại Việt Nam.

1. Về một số nội dung của dự thảo Nghị định.

a) Về cách tiếp cận soạn thảo Nghị định:

Đồng ý cách tiếp cận soạn thảo Nghị định theo hướng quy định khung. Trên cơ sở Nghị định, các Bộ đề xuất cụ thể chính sách đặc thù của từng ngành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp ban hành Thông tư hướng dẫn riêng (nếu có).

b) Lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP:

Đồng ý mở rộng lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, chỉ cho phép thực hiện trong các lĩnh vực đã xác định được khả năng triển khai. Trong quá trình thực hiện có thể sửa đổi, bổ sung lĩnh vực nếu cần thiết.

Yêu cầu các Bộ, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý trong thời gian qua, từ trung ương đến địa phương; từ đó xác định rõ lĩnh vực tiềm năng có thể đầu tư theo hình thức PPP, lập danh mục dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong tháng 02 năm 2014 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2014.

c) Doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP:

Đồng ý không hạn chế Doanh nghiệp nhà nước tham gia các dự án PPP. Việc đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào nhiệm vụ chính, đúng ngành nghề kinh doanh chính, được thẩm định kỹ năng lực khi tham gia và được kiểm soát theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn tham gia dự án PPP của doanh nghiệp nhà nước không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ của nhà nước.

d) Có trách nhiệm lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi:

Có thể quy định linh hoạt việc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tuy nhiên Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.

đ) Phần tham gia của nhà nước:

Đồng ý phương án không xác định cụ thể tỷ lệ phần tham gia của nhà nước trong dự án PPP. Phần tham gia của nhà nước được xác định trên cơ sở phương án tài chính cụ thể của dự án.

e) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Đồng ý tiếp tục duy trì thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu rút gọn một đầu mối cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đơn giản hóa tối đa hồ sơ, thủ tục để rút ngắn thời gian.

g) Cơ chế đảm bảo và hỗ trợ đầu tư:

- Về đảm bảo cân đối ngoại tệ: Nhà nước chỉ bảo đảm cân đối ngoại tệ cho Nhà đầu tư, không bảo lãnh tỷ lệ ngoại tệ theo nghĩa bảo lãnh cả biến động tỷ giá.

- Về bảo lãnh doanh thu: việc Nhà nước bảo lãnh doanh thu dự án chỉ xem xét trong một số trường hợp cụ thể, trên cơ sở phương án tài chính của dự án.

h) Đào tạo, tăng cường năng lực về PPP:

Yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, khẩn trương lập bộ phận chuyên trách về PPP. Căn cứ danh sách nhân sự thực hiện PPP của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đào tạo và tăng cường năng lực về PPP.

2. Về các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Đồng ý việc mua ô tô từ nguồn viện trợ không hoàn lại của AFD (trong khuôn khổ dự án P3SP) để phục vụ cho hoạt động của Ban Quản lý dự án P3SP.

- Dự án "Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ": Đồng ý thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý dự án, giám sát hợp đồng trong suốt vòng đời dự án.

3. Về một số dự án khác:

- Dự án Bệnh viện Xây dựng mới: Bộ Xây dựng nghiên cứu các hình thức đầu tư khác (như liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư tư nhân…) theo quy định hiện hành để tiếp tục triển khai Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Dự án "Cung cấp các dịch vụ hậu cần bệnh viện": Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8670/VPCP-QHQT ngày 16 tháng 10 năm 2013.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, V.III, KGVX, QHQT, TKBT, PL, TH;
- Lưu: VT, KTN (3). Ha

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 28/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 28/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/01/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản