Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 279/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ TẠI HỘI NGHỊ VỀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ HỆ THỐNG DỊCH VỤ LOGISTICS VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Ngày 22 tháng 8 năm 2016, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng Tây Nam Bộ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong những năm qua, Đảng, nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo bố trí vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành, trong đó có những công trình rất lớn như: Cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã xóa bỏ thế ngăn sông cách trở không chỉ của từng địa phương mà còn của cả Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cùng với đó là hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong Vùng với cả nước và thế giới. Đường bộ với tổng chiều dài các tuyến quốc lộ là 2.030,41 km, đường tỉnh dài 4.718,8 km, đường huyện và giao thông nông thôn dài 72.851,8 km, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đường thuỷ với trên 13.000 km (trong đó khoảng 7.000 km đã được đưa vào cấp quản lý) phân bổ đồng đều trên toàn Vùng là lợi thế lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa; tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để phát huy lợi thế. Đường biển cũng chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp; chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển; cả Vùng chưa có cảng nước sâu lớn; 80% hàng hóa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để đi tiếp, trong đó 70% phải sử dụng bằng đường bộ, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hàng không hiện có 02 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 02 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020. Với sự phát triển nhanh của điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong Vùng thông suốt, nhanh chóng; giai đoạn từ năm 2010 - 2015 tổng khối lượng vận tải toàn Vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hóa. Với những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng đầu tư, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng. Với 04 phương thức vận tải chủ yếu: Đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của Vùng; nhưng việc đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa thỏa đáng, chưa quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa được coi là thế mạnh của Vùng, dẫn đến tình trạng thị phần đảm nhận của đường thủy nội địa có xu hướng giảm.

Do vậy, việc xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cụ thể hóa các Chiến lược, Quy hoạch và lựa chọn được các dự án trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ HỆ THỐNG DỊCH VỤ LOGISTICS VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1. Đường bộ: Hoàn thiện 06 tuyến trên trục dọc qua Vùng (tuyến N1, N2, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển phía Nam), tập trung nâng cấp hoàn thiện Quốc lộ 60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 để thúc đẩy phát triển các tỉnh duyên hải của Vùng là các tỉnh khó khăn nhất hiện nay. Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp 09 tuyến trên các trục ngang gồm các Quốc lộ: 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 làn xe và xây dựng tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang). Đối với tuyến N1 (trùng với tuyến hành lang biên giới có vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng) đầu tư với quy mô 2 làn xe. Ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối đến các cửa khẩu quốc tế với Campuchia như Quốc lộ 91C, Quốc lộ 30.

Đảm bảo 100% đường đến trung tâm xã, cụm xã; tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 100%; xóa bỏ cầu khỉ; tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Đường thủy nội địa: Phát huy hiệu quả của dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5), tổ chức quản lý, khai thác đảm bảo duy trì thường xuyên đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy hiện có để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đẩy mạnh vận tải đa phương thức, trong đó tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy. Rà soát và từng bước xử lý các cầu có tĩnh không thấp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh chính trong Vùng.

3. Đường biển: Hoàn thành dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia, xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây của Vùng; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của Vùng và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.

4. Hàng không: Bộ Giao thông vận tải rà soát và thực hiện việc đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ vận chuyển hành khách, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách, hàng hóa tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không Cà Mau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Về dịch vụ logistics: Đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch vụ logistisc phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Chú trọng nâng cao năng lực vận tải trên các trục vận tải, đặc biệt là tuyến vận tải thủy trên sông Tiền, sông Hậu trong giao thương với Campuchia.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Giao thông vận tải nói chung và các địa phương Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển cảng biển, dịch vụ logistics trong lĩnh vực Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong Vùng xem xét, cân đối vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn và phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Bộ Công Thương: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá năng lực các đầu mối vận tải trong Vùng, các thủ tục giao nhận nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics; phối hợp với các địa phương trong Vùng để tổ chức hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistic vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

4. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Chủ trì, phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương với các tỉnh, thành phố trong Vùng trong đôn đốc, giám sát triển khai đầu tư hạ tầng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

5. Các cơ quan, địa phương trong Vùng: Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để có lộ trình thực hiện phù hợp với quy định và yêu cầu thực tế.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: CA, QP, GTVT, KHĐT, TC, NN&PTNT, CT, XD, KHCN, GDĐT, Y tế, TNMT, LĐTB&XH;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố Vùng TNB;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NC, QHQT, V.I, V.III;
- Lưu: VT, KTN (3) pvc

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục