Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 277/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày 16 tháng 7 năm 2013, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, địa phương, cơ quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương về kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm kết luận như sau:

Trong 6 tháng đầu năm 2013, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của xã hội công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được một số kết quả khả quan. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý về an toàn thực phẩm đã từng bước được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế. Hệ thống kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn, ngoài các phòng kiểm nghiệm của các Bộ, ngành, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO/IEC/17025. Công tác thông tin truyền thông tiếp tục được duy trì thường xuyên và theo từng chiến dịch với sự vào cuộc tích cực của các phương tiện truyền thông, có sự phối hợp với các cơ quan chức năng đã đem lại hiệu quả rõ rệt Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm và Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 đã được triển khai có hiệu quả: 98,6% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan; 89,3% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc ngăn chặn, kiểm tra, xử lý gia cầm nhập khẩu trái phép đã được triển khai quyết liệt, đến nay tình hình cơ bản đã được kiểm soát; chăn nuôi gia cầm tại một số địa phương đã được khôi phục, phát triển. Các thông tin về mối nguy từ thực phẩm nhập khẩu, các vấn đề về an toàn thực phẩm mà xã hội quan tâm đã được xử lý, giải đáp kịp thời. Ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước với số người tử vong thấp.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

- Ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm trong tháng 8 năm 2013; hoàn thành việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, theo lĩnh vực được phân công trong quý IV năm 2013.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho các báo, đài về công tác quản lý an toàn thực phẩm (những vụ việc, cơ sở vi phạm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm) để đăng tải kịp thời, chính xác.

2. Bộ Y tế:

- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm từ nay đến cuối năm 2013, có giải pháp từng bước nâng cao hiệu quả công tác này.

- Tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn theo suất; đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho người lao động.

- Tổ chức đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tình hình ngăn chặn, vận chuyển trái phép đối với gia cầm và cá tầm tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng trong tháng 8 năm 2013 và tại Quảng Ninh trong tháng 9 năm 2013.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn và hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình chuỗi sản xuất - kinh doanh gà an toàn.

- Tổ chức trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Việt Nam để cung cấp thông tin chính thức về tình hình và những biện pháp kiểm soát cá tầm nhập lậu.

- Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn. Hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; triển khai đề án sản xuất và cung cấp gia cầm giống cho các địa phương.

- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án phát triển sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 9 năm 2013.

4. Bộ Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án ngăn chặn vận chuyển và nhập khẩu trái phép thủy, hải sản, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo trong tháng 9 năm 2013.

- Tiếp tục chỉ đạo việc tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Nghị định này tại một số địa bàn trọng điểm (phấn đấu ít nhất 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu ở địa phương được kiểm tra).

5. Bộ Công an xem xét, bổ sung kinh phí, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh ngăn chặn nhập khẩu, kinh doanh trái phép thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Điều 244 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn thành dự thảo trong tháng 9 năm 2013.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013, mở rộng việc truyền thông đối với một số mặt hàng khác, trước mắt là cá tầm.

8. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam:

Tiếp tục mở rộng việc triển khai thực hiện phong trào vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ký cam kết thực hiện ba không “Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”; phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương xây dựng nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm, xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền vận động phong trào “ba không”, hoàn thành trong tháng 9 năm 2013 và tập trung tuyên truyền tại các địa phương đang tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Triển khai quy hoạch và xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y; xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản an toàn; tổ chức ký cam kết cung cấp thực phẩm an toàn giữa các thành phố lớn với các địa phương liên quan.

- Triển khai xây dựng, phát triển mô hình chợ an toàn, ưu tiên triển khai tại các chợ đầu mối của địa phương.

- Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, trong đó, cần xử lý nghiêm đối với các vi phạm ở tuyến huyện và tuyến xã.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm và các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm trang bị và đưa vào sử dụng thiết bị tiêu hủy gia cầm.

10. Giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2013.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Tư pháp, Công an (C49), Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng;
- Các thành viên BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP;
- Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN, V.I;
- Lưu: VT, KGVX (3b), mn.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 277/TB-VPCP năm 2013 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 277/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/08/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản