VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 272/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2010
Ngày 11 tháng 9 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, ý kiến phát biểu của các thành viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm kết luận như sau:
Trong 8 tháng đầu năm 2010, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã hoạt động khá hiệu quả, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được triển khai mạnh mẽ, tạo bước đầu chuyển biến tích cực.
Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo cần phát huy kết quả đã đạt được, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan đơn vị chức năng tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
1. Bộ Y tế chủ trì:
- Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông xây dựng Dự thảo Đề án Truyền thông về an toàn thực phẩm trong 2 năm tới, trong đó xác định rõ những khâu đột phá, nhóm giải pháp trọng tâm, với mục tiêu sau 02 năm sẽ tạo được chuyển biến tích cực và rõ nét trong nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm. Dự thảo Đề án cần chuẩn bị sớm để có thể đưa ra thảo luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, dự kiến tổ chức vào tháng 11 năm 2010.
Tiến hành điều tra xã hội học, tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao người dân biết sản xuất thực phẩm không an toàn mà không tố giác và không tự giác chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, triển khai phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn ở lợn sang người.
- Nghiên cứu mô hình Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến quận, huyện, tổng kết, rút kinh nghiệm và giới thiệu cho các địa phương trong cả nước tham khảo, học tập.
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm căn cứ vào các yếu tố đặc thù, độc hại của công việc và yêu cầu thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu việc tổ chức, bố trí cán bộ, hướng dẫn triển khai công tác thanh tra an toàn thực phẩm tại các địa phương sao cho hiệu quả. Nghiên cứu thí điểm giao Thanh tra Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm triển khai nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm ở một số địa phương.
- Chuẩn bị Kế hoạch tổng kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo vào đầu năm 2011.
- Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành 10 tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu các địa phương trong báo cáo kết quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2010 phải đánh giá theo 10 tiêu chí này.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Đánh giá thực trạng kinh doanh và sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc bảo quản rau, quả, hóa chất bảo vệ thực vật; triển khai có hiệu quả các giải pháp kiểm soát việc lạm dụng các hóa chất (chuyên đề này sẽ được đề cập tại kỳ họp Ban Chỉ đạo vào đầu năm 2011).
- Chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Công Thương ban hành quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, chế biến cá ngừ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
3. Bộ Công Thương:
Tăng cường kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, vận chuyển qua biên giới; chủ trì tổ chức họp trực tuyến với các địa phương có đường biên giới về việc triển khai thí điểm phương án thống nhất tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (Hải quan, Biên phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương) với cơ chế Trưởng cửa khẩu tại một số địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thí điểm trong quý IV năm 2010, sơ kết vào tháng 6 năm 2011.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam:
Phối hợp với các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ nội dung truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm từ nay đến dịp Tết Nguyên đán, phát động phong trào đấu tranh với các hành vi vô trách nhiệm, hám lợi trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại về sức khỏe và tính mạng cho người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng; xây dựng Chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm trong 02 năm tới; quản lý chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.
5. Đề nghị Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam:
Phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai và hoàn thành nhiệm vụ được nêu tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 02 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ, chủ động chỉ đạo tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tốt.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến cuối năm 2010 cần hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã; bố trí biên chế, ngân sách hoạt động cho các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghiên cứu, có biện pháp chấm dứt việc vận chuyển gia súc, gia cầm giết mổ bằng các phương tiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan đường phố.
7. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cố gắng tối đa, ưu tiên tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm trong đó có Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra an toàn thực phẩm và Nghị định quy định về Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, hoàn thành đúng tiến độ được giao tại Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không thể thực hiện được, yêu cầu có ý kiến đề xuất bằng văn bản, gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng CP xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và các địa phương, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 734/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 34/2009/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật an toàn thực phẩm 2010
- 3Thông báo 151/TB-VPCP năm 2019 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 272/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cuộc họp ban chỉ đạo ngày 11 tháng 9 năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 272/TB-VPCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 05/10/2010
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/10/2010
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định