Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ TẠI PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ TRẺ EM NĂM 2023
Ngày 11 tháng 01 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Trẻ em (Ủy ban Quốc gia) đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia năm 2023. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia; các thành viên Ủy ban Quốc gia và đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia, ý kiến các thành viên Ủy ban Quốc gia và đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia kết luận như sau:
1. Trong năm 2023, các bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia, các địa phương đã nỗ lực hoàn thiện về thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em và giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến trẻ em. Các cơ quan, bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm thiểu tai nạn thương tích đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật được phát hiện, ngăn chặn và được xử lý kịp thời; công tác điều tra xử lý tội phạm đạt tỷ lệ cao, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; cơ sở dữ liệu về trẻ em đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quyền trẻ em; trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm. Công tác truyền thông về trẻ em từng bước đổi mới, việc thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng được chú trọng, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, hướng dẫn cha mẹ kiến thức, kỹ năng ứng xử, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong gia đình và ý thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc rà soát, phối hợp xử lý, gỡ bỏ các thông tin, hình ảnh, nội dung xấu độc trên môi trường mạng thực hiện thường xuyên, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được tổ chức thường xuyên.
2. Cùng với những kết quả đạt được, tình hình xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình vẫn diễn biến phức tạp. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em giảm chậm. Mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao dành cho trẻ em phát triển chậm và có chiều hướng bị thu hẹp. Các nền tảng xã hội trực tuyến phát triển nhanh nhưng chưa có đủ công cụ, biện pháp hiệu quả xử lý nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em. Vấn đề tâm lý, sức khoẻ tâm thần của trẻ em; tình hình dịch bệnh ở trẻ em có diễn biến mới; chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi ở một số tỉnh đạt tỷ lệ thấp; tỷ lệ béo phì ở trẻ em có xu hướng tăng.
3. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai đất nước. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội cần tập trung hành động quyết liệt các chủ trương, chính sách về công tác trẻ em, tạo chuyển biến thực sự, nhất là đối với những vấn đề tồn tại nhiều năm; xác định những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thiết thực, phải có chỉ số đo đếm để triển khai hiệu quả và đưa ra các giải pháp đúng đắn, căn cơ, cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành kèm theo giải pháp, nguồn lực để thực hiện.
4. Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác trẻ em, đề nghị các cấp, các ngành hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2024 và thời gian tới, trong đó tập trung triển khai một số nội dung sau đây:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc gia, tổng hợp các nội dung đề xuất, hoàn thiện Báo cáo kết quả thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em năm 2023 và kế hoạch năm 2024 của Ủy ban Quốc gia; thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ký ban hành và hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.
- Chủ trì xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 4 năm 2024.
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với Việt Nam và các giải pháp cụ thể thực hiện các khuyến nghị của Liên Hợp quốc về cải thiện các nhóm chỉ số liên quan đến trẻ em trong phát triển bền vững.
- Tham mưu tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em trong đó có nội dung triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chí bể bơi, tổ chức dạy bơi trong trường học và thiết chế văn hóa thể thao dành cho trẻ em tại cộng đồng.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông theo dõi, đánh giá tác động của các nền tảng trực tuyến, trí tuệ nhân tạo để có các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
d) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu khuyến nghị về tác hại của thuốc lá điện tử, các chất kích thích và các chất hướng thần đối với sức khoẻ thể chất, tâm thần của trẻ em.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác y tế trường học, đẩy mạnh các biện pháp cụ thể để kiểm soát, kéo giảm tình trạng bạo lực học đường; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong trường học; rà soát, đánh giá điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tích cực triển khai các điều kiện cho dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.
e) Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi; kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác; trang cấp, hướng dẫn quản lý và sử dụng mô hình phòng điều tra thân thiện cho công an các địa phương.
g) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn cần thiết nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong huy động, quản lý nguồn lực đối với công tác trẻ em; cân đối việc bố trí kinh phí phù hợp từ ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em; tham gia kiểm tra, giám sát việc bố trí, sử dụng kinh phí cho công tác trẻ em của các bộ, ngành, địa phương.
h) Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì việc xây dựng, triển khai thực hiện pháp luật về tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên; bảo đảm cam kết của Việt Nam về quyền của trẻ em trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
i) Các Bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, tổ chức; bảo đảm để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện.
k) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa nhân lực làm công tác trẻ em, nhất là nhân lực bảo vệ trẻ em cấp cơ sở; phát huy vai trò, cách làm sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 599/TB-VPCP năm 2017 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc Họp Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 117/TB-VPCP năm 2019 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 77/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca; việc cấp phép thuốc điều trị COVID-19 và việc thực hiện Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo 599/TB-VPCP năm 2017 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc Họp Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 117/TB-VPCP năm 2019 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 77/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca; việc cấp phép thuốc điều trị COVID-19 và việc thực hiện Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 28-CT/TW năm 2023 tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Thông báo 27/TB-VPCP năm 2024 Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về Trẻ em năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 27/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 24/01/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra