Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG, KHU QUÂN SỰ; ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN; ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI).

Ngày 07 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về: (1) Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; (2) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (3) Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tham dự cuộc họp có Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị xây dựng luật, dự án luật và ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự:

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng trong việc chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm quán triệt và thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp; đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn trong việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, của Thường trực Chính phủ để thống nhất 01 phương án trình Chính phủ, cụ thể như sau:

- Về quy định lực lượng quản lý, bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của các ban, bộ, ngành trung ương: Hoàn thiện phương án 1, trong một số trường hợp, các ban, bộ, ngành trung ương không tổ chức được lực lượng bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của mình thì bàn giao cho Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng quân sự địa phương trực tiếp bảo vệ trong thời bình. Các quy định cụ thể việc bàn giao này cần bảo đảm tính linh hoạt, khả thi, phù hợp với thực tiễn.

- Về quy định thẩm quyền trong chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự: Thống nhất phương án 1, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác cùng với quyết định mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất với dự thảo Luật này.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2023. Tờ trình Chính phủ cần ngắn gọn, nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ và việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ.

2. Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật đấu giá tài sản:

Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về các chính sách cụ thể của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, trong đó tập trung vào các yêu cầu sau:

- Việc sửa đổi Luật đấu giá tài sản phải thể hiện được chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý tài sản công; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản; khắc phục các hạn chế, bất cập trong Luật Đấu giá hiện hành về trình tự, thủ tục đấu giá, quy trình xử lý trước khi đấu giá và sau đấu giá tài sản; tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; nâng cao chất lượng dịch vụ đấu giá và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; bảo đảm quy trình đấu giá công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đấu giá các tài sản đặc thù như đất đai, quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên số…; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, biện pháp xử lý thích hợp đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản kết hợp với hoạt động kiểm tra, thanh tra kịp thời nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản; sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động bán tài sản thông qua đấu giá.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến Thành viên Chính phủ, tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động của các chính sách; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2023. Tờ trình Chính phủ cần ngắn gọn, nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ và việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.

3. Về Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi):

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẩn trương lập Đề nghị xây dựng Luật nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng Luật này cần quán triệt quan điểm, mục tiêu nhằm cụ thể hóa tư tưởng đổi mới, đột phá của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và các nghị quyết, chủ trương có liên quan của Đảng; khắc phục bất cập của quy định Luật Thủ đô hiện hành; tạo nguồn lực từ thể chế, có tính đột phá nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, nhất là nguồn lực tài chính, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rất lớn từ vị trí, vai trò, tài nguyên; phát huy sức sáng tạo, tinh hoa, truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, văn hiến của Thủ đô; trở thành trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Về các chính sách cụ thể của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện về các nội dung sau:

- Tiếp tục rà soát tổng thể các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội; thể chế hoá tối đa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá mới. Các đề xuất chính sách cần tập trung vào xây dựng cơ chế đặc thù, tạo động lực, không gian phát triển mới, đột phá cho Thủ đô phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch thương mại; hoàn thiện thể chế liên kết vùng, vai trò trung tâm của Thủ đô trong vùng cả về “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm”.

- Hoàn thiện quy định tổ chức, bộ máy phù hợp với đặc thù của đô thị đặc biệt, đột phá về phân cấp, phân quyền; tổ chức bộ máy, đề xuất mô hình chính quyền địa phương các cấp của Thành phố; cơ chế tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm, thu hút nguồn nhân lực bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân cấp thẩm quyền tối đa cho Thủ đô, gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

- Các chính sách bảo đảm cân bằng giữa cơ chế, chính sách chung của cả nước và cơ chế, chính sách riêng áp dụng đối với Thủ đô, bảo đảm hài hòa, thống nhất trong tổng thể phát triển đất nước. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo đột phá trong xây dựng, phát triển thủ đô; có trọng tâm, trọng điểm trong huy động, sử dụng tập trung, hiệu quả nguồn lực, tránh cơ chế đầu tư phân tán nguồn lực; mở rộng cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư công, ngân sách nhà nước; xác định ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố hợp lý; mở rộng cơ chế huy động vốn vay của thành phố.

- Hoàn thiện các chính sách, cơ chế hiệu quả, linh hoạt để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển như: phát triển hạ tầng, tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư để chủ động triển khai dự án hạ tầng; cơ chế tập trung nguồn lực phát triển các khu vực đô thị vệ tinh theo mô hình thành phố thuộc thành phố; mở rộng lĩnh vực và phương thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu hình thành các loại hình quỹ đầu tư phát triển theo hình thức xã hội hóa; có cơ chế đặc thù cho phép thành phố huy động nhà đầu tư lớn, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm chất lượng, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 năm 2023 để đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật năm 2023, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023) theo trình tự xem xét, thông qua tại một Kỳ họp. Tờ trình Chính phủ cần ngắn gọn, nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và kết luận của Thường trực Chính phủ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc hoàn thiện xây dựng dự án Luật.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, thư ký của TTg, các Phó TTg, các Vụ, Cục: NC, CN, NN, TCCV, KGVX, KTTH, KSTT, TH;
- Lưu: VT, PL(2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 27/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 27/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/02/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Cao Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản