Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 267/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC VỀ VIỆC CHUẨN BỊ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 02 tháng 7 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị 2 dự án: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông; Thứ trưởng các Bộ: Nội vụ, Tư pháp và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Về một số vấn đề chung:

a) Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương chuẩn bị 2 dự án: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương, trên cơ sở quán triệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ;

b) Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương và các dự án: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và các luật tổ chức khác; tạo khuôn khổ pháp lý xây dựng nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả;

c) Để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội 2 dự án Luật quan trọng này, Bộ Nội vụ cần tập trung, khẩn trương hơn trong việc nghiên cứu, soạn thảo và hoàn tất các thủ tục có liên quan: chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm và các hình thức thích hợp khác để tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học; hoàn thiện hồ sơ 2 dự án luật, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Phiên họp Chính phủ đúng thời gian quy định.

2. Về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi):

a) Cần quán triệt đầy đủ tư tưởng đổi mới của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước, về Chính phủ và nền hành chính nhà nước để cụ thể hóa phù hợp trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), bảo đảm Chính phủ thực sự có vai trò kiến tạo phát triển, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quản lý điều hành các mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;

b) Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 176/TB-VPCP, xây dựng các phương án cụ thể cho từng vấn đề cơ bản của dự án Luật theo hướng mở và linh hoạt;

c) Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Chính phủ hiện hành, tập trung làm rõ và đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế đã bộc lộ rõ trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.

d) Nghiên cứu, cụ thể hóa rõ hơn chức năng của Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, chức năng của cơ quan chấp hành của Quốc hội, đặc biệt là vị trí, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự án Luật xác định rõ thẩm quyền hành chính nhà nước cao nhất của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

đ) Dự án Luật phải tạo cơ sở pháp lý vững chắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia từ trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương.

e) Về một số vấn đề cụ thể:

- Về vị trí, chức năng của Chính phủ, đồng ý với đề xuất quy định đầy đủ, cụ thể để bảo đảm lôgích và phù hợp với tên gọi của Luật;

- Dự thảo Luật không chép lại các quy định của Hiến pháp; phải tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; cụ thể hóa và bảo đảm tính nhất quán, thể hiện đầy đủ tư tưởng của Hiến pháp về Chính phủ;

- Nghiên cứu, làm rõ và có quy định phù hợp trong dự thảo Luật về mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ đối với các cơ quan lập pháp, tư pháp, nhất là trong việc trình các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác;

- Cùng với việc cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, dự án Luật cần cụ thể hóa và phân định rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; phân định rành mạch thẩm quyền và trách nhiệm của Tập thể Chính phủ với trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

- Tiếp tục hoàn thiện chế định Thủ tướng Chính phủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và nền hành chính quốc gia; hoàn thiện chế định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong đó có Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực, theo hướng làm rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cũng như chế độ làm việc và mối quan hệ công tác.

- Về cơ quan thuộc Chính phủ, không quy định cứng trong Luật, chỉ quy định mang tính nguyên tắc để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong việc thành lập và điều chỉnh tổ chức các cơ quan này cho phù hợp với yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ;

- Nghiên cứu, xác định phù hợp một số chức danh Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc... để bảo đảm tính thống nhất về tên gọi.

3. Về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương:

a) Cơ bản, nhất trí với đề xuất của Bộ Nội vụ về mục tiêu, quan điểm; về phạm vi điều chỉnh và về bố cục của dự án Luật.

Đồng ý quy định về đơn vị hành chính thành một chương riêng trong Luật này, không xây dựng Luật đơn vị hành chính; không quy định về mô hình đặc khu kinh tế mà để Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định;

b) Cần xây dựng các phương án cụ thể, theo thứ tự ưu tiên về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Đối với đô thị, chính quyền địa phương tổ chức theo mô hình một cấp; quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân. Tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương là thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Quy định rõ tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính được thành lập ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân là Ủy ban nhân dân trên cơ sở tiếp thu báo cáo tổng kết, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

c) Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bên cạnh việc kế thừa các quy định phù hợp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong thời gian qua.

Đồng thời với việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước ở trung ương đối với chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia, dự án Luật phải tạo được cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ, thống nhất với dự án Luật tổ chức Chính phủ, với các dự án luật khác có liên quan trong việc thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp chính quyền, phát huy mạnh mẽ tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định những vấn đề của địa phương theo luật định.

d) Cần phân định và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân từng cấp theo hướng không trùng lắp, dập khuôn, ôm đồm, bảo đảm tính khả thi;

đ) Về cơ cấu và số lượng các thành viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cần quy định mở rộng hơn theo hướng bao gồm các Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, TCCV, TCCB; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, PL (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 267/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuẩn bị dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 267/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/07/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản