Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 26-TB/TW | Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC SƠ KẾT CHỈ THỊ SỐ 49-CT/TW, NGÀY 21/2/2005 CỦA BAN BÍ THƯ (KHÓA IX) VỀ "XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC"
Tại phiên họp ngày 19/4/2011, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày Tờ trình về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (số 10-TTr/BTGTW, ngày 17/3/2011), Văn phòng Trung ương Đảng đọc Tổng hợp ý kiến của các cơ quan góp ý về Báo cáo sơ kết của Ban Tuyên giáo Trung ương và dự thảo Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW trong thời gian tới, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau :
1- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện chức năng của mình. Những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình chưa được rộng khắp và thường xuyên, đặc biệt là ở cấp huyện và xã; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chỉ thị 49-CT/TW và mục tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình chưa gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình; chưa gắn công tác xây dựng gia đình với công tác phát triển cộng đồng. Việc xác định mô hình, tiêu chí gia đình văn hóa chưa rõ. Những tồn tại của gia đình chậm được khắc phục, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp; tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới không giảm; xuất hiện vấn đề tình dục và hôn nhân đồng giới. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến gia đình chưa nghiêm và thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, đơn vị…
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên là do: Mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế đã tác động làm băng hoại, phá vỡ giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có vấn đề gia đình truyền thống; một số cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình còn hạn chế; chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW; chưa gắn công tác xây dựng gia đình với xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; cơ chế phối hợp giữa các cấp uỷ đảng với các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở trong việc thực hiện Chỉ thị chưa đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên. Công tác truyền thông và giáo dục về đời sống gia đình chưa thường xuyên, liên tục. Tổ chức bộ máy làm công tác gia đình còn nhiều bất cập, cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu, trình độ hạn chế, đặc biệt ở tuyến xã…
2- Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Chỉ thị đã đề ra.
- Khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung và giải pháp truyền thông về gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, cùng các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình. Giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu bên ngoài tác động vào gia đình.
- Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống. Tập trung nguồn lực, thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp, mở rộng chính sách khuyến khích để phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo. Có chính sách và biện pháp cụ thể để xây dựng gia đình, bảo đảm sự phát triển bền vững của gia đình.
- Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và hôn nhân đồng giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình. Tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình; tiến hành các giải pháp can thiệp nhằm giảm các yếu tố rủi ro đối với gia đình. Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi. Phát triển các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các gia đình; từng bước hoàn thiện chế độ chăm sóc người cao tuổi; tăng cường giáo dục, xử lý người vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông, bà, cha mẹ theo quy định của pháp luật.
- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Hoàn thiện các chỉ số về gia đình, ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình thống nhất toàn quốc. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về công tác gia đình; kiện toàn cơ quan chuyên trách làm công tác gia đình; thành lập ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện và xã; nâng cao năng lực hoạt động, vai trò phối hợp liên ngành. Đầu tư đủ kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp và những điều kiện đảm bảo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án đã được phê duyệt về công tác gia đình.
- Các đoàn thể chính trị - xã hội, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình, phát động các cuộc vận động xây dựng gia đình phù hợp với nhu cầu của hội viên, đoàn viên và yêu cầu của phát triển gia đình. Tạo môi trường và động lực thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia xây dựng gia đình Việt Nam. Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em phù hợp với tình hình đất nước.
- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập Tòa án hôn nhân và gia đình trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.
3- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng năm và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư tại các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và báo cáo Ban Bí thư.
4- Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Ban Bí thư chủ trì sẽ được tổ chức cùng với việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới" và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW, ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em".
Thông báo kết luận này phổ biến đến chi bộ.
| T/M BAN BÍ THƯ |
Thông báo 26/TB-TW kết luận của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 26/TB-TW
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 09/05/2011
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra