Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 259/TB-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TẠI BUỔI HỌP BAN ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐƯA CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐÃ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG SANG UAE LÀM NHÂN VIÊN BẢO VỆ

Ngày 13 tháng 1 năm 2010, đồng chí Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì cuộc họp Ban điều hành thực hiện Chương trình đưa công dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang sang Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) làm nhân viên bảo vệ (gọi tắt là Ban điều hành).

Tham gia cuộc họp có các thành viên Ban điều hành, Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo ba doanh nghiệp thực hiện Chương trình là Công ty Cổ phần xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), Công ty Xuất khẩu lao động - thương mại và du lịch (Sovilaco) và Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ Dầu khí Việt Nam (Petromaning).

Sau khi nghe Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước báo cáo, ý kiến các thành viên Ban điều hành và đại diện các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa kết luận như sau:

1. Đánh giá chung

Chương trình đưa công dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang sang UAE làm nhân viên bảo vệ là hình thức mới, loại hình lao động đặc thù, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, bước đầu đáp ứng được yêu cầu, đã đề ra. Ba doanh nghiệp thực hiện Chương trình cũng đã phối hợp tốt với các trường thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành sơ tuyển, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghiệp vụ theo yêu cầu của phía đối tác, hỗ trợ người lao động trong nước hoàn tất các thủ tục cần thiết. Đến nay đã có 1.600 lao động xuất cảnh. Dự kiến hết tháng 2 năm 2010 sẽ đưa toàn bộ 4.000 lao động sang UAE. Tuy nhiên, việc đàm phán, ký kết thỏa thuận bổ sung với phía đối tác, việc phối hợp ban hành chế độ tài chính cho doanh nghiệp còn chậm; việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động còn hạn chế, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp tham gia chương trình còn bất cập.

2. Những công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới

2.1. Đối với các Bộ:

- Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước), các doanh nghiệp quản lý số lao động đã qua đào tạo, phối hợp hỗ trợ các thủ tục cần thiết để lao động xuất cảnh đúng tiến độ;

- Đề nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin, xử lý khi có phát sinh đối với lao động đã xuất cảnh sang UAE.

2.2. Đối với Cục Quản lý lao động ngoài nước:

- Khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cử cán bộ sang công tác tại Ban Quản lý lao động tại UAE để tăng cường công tác quản lý lao động tại địa bàn. Khi cần thiết có thể cử cán bộ sang hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian lao động chưa được phân công về các đơn vị công tác;

- Phối hợp với phía đối tác và các doanh nghiệp quy định tiêu chuẩn cán bộ đại diện của các doanh nghiệp tại UAE thực hiện công tác quản lý để các doanh nghiệp thống nhất thực hiện;

- Xây dựng chế độ thông tin, báo cáo, quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động tại UAE, doanh nghiệp và cán bộ đại diện các doanh nghiệp tại UAE; thành lập nhóm cán bộ thường trực giải quyết khi có phát sinh đối với lao động tại UAE;

- Rà soát, chỉnh sửa những nội dung còn chưa thống nhất, chưa chặt chẽ giữa hợp đồng của các doanh nghiệp với người lao động và thỏa thuận giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước với phía đối tác nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động;

- Phối hợp với Đảng ủy ngoài nước để hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt Đảng cho số lao động là đảng viên làm việc tại UAE;

- Chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động;

- Chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình thực hiện, kết quả và khả năng mở rộng Chương trình trong thời gian tiếp theo.

2.3. Đối với các doanh nghiệp:

- Có trách nhiệm phối hợp với phía đối tác quản lý số lao động do doanh nghiệp đưa sang làm việc tại UAE. Trước mắt cần có biện pháp ổn định tư tưởng cho người lao động trong thời gian chờ phân công về đơn vị công tác; khẩn trương chuẩn bị cán bộ đại diện theo quy định sang UAE để phối hợp với phía đối tác làm nhiệm vụ quản lý lao động (chậm nhất trong tháng 2 năm 2010);

- Phối hợp với phía đối tác quan tâm đến điều kiện sinh hoạt, tổ chức nơi ăn, chỗ ở phù hợp cho người lao động;

- Soát xét lại nội dung hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp và người lao động, tránh phát sinh mâu thuẫn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động;

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cục Quản lý lao động ngoài nước để quản lý, hoàn tất thủ tục cho số lao động còn lại xuất cảnh sang UAE đúng tiến độ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thành viên Ban điều hành;
- Cục QLLĐNN;
- Các doanh nghiệp: TTLC, Sovilaco; Petromaning (để thực hiện);
- Lưu: VT.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Hoạt