Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2560/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014 |
Ngày 22 tháng 5 năm 2014, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về "Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi 2011 - 2013". Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chủ trì có đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT của 30 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Chăn nuôi, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hậu Giang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã tiếp thu ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và kết luận Hội nghị như sau:
1. Kết quả đạt được sau 3 năm áp dụng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học BALASA N01 và Quy trình ứng dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học.
- Công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là hướng đi mới và thu được những kết quả bước đầu đã được khẳng định là không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, giảm bệnh tật, lợn tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn, vì vậy mà hiệu quả cao hơn, phù hợp với chăn nuôi lợn, gà quy mô nông hộ.
- Kết quả trong 3 năm qua, đồng thời vừa nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, vừa triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại 40 tỉnh/thành phố, cả nước đã áp dụng 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học.
2. Giải pháp tiếp tục mở rộng triển khai
- Về khoa học công nghệ:
+ Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình: Đa dạng hóa nguyên liệu làm giá thể đệm lót sinh học, công thức thành phần phối trộn. Trong đó đặc biệt chú ý tìm các nguồn nguyên liệu sẵn có phù hợp với từng vùng, từng địa phương để thay thế mùn cưa như: bã mía, thân là lõi cây ngô... và nghiên cứu thiết bị dây chuyền sản xuất nguyên liệu đóng bao; nghiên cứu thiết kế chuồng trại phù hợp; nghiên cứu tác động của đệm lót sinh học đến vấn đề an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, giải pháp chống nóng,...
+ Tuy đã được công nhận là tiến bộ kĩ thuật và được phép sản xuất kinh doanh, nhưng chế phẩm BALASA N01 và Quy trình sử dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà thuộc về tác giả Nguyễn Khắc Tuấn và nhóm nghiên cứu nên đề nghị tác giả cần tạo điều kiện thuận lợi cung ứng và chuyển giao cho người nuôi và các địa phương có nhu cầu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, quy trình để chuyển giao và nhân rộng trong sản xuất.
+ Giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để tạo ra tập đoàn vi sinh vật hữu ích mới để sử dụng cho đệm lót sinh học. Khuyến khích các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu nhằm tạo ra nhiều chủng loại men vi sinh và quy trình mới; đồng thời khuyến khích nhập khẩu các chế phẩm và quy trình công nghệ để ứng dụng làm đệm lót sinh học trong thời gian tới.
- Giải pháp về chính sách:
Sớm hoàn thiện chính sách trong chăn nuôi nông hộ, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nội dung tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Từ kinh nghiệm của Hà Nam và một số tỉnh đã có thành công bước đầu, đề nghị các tỉnh chủ động ban hành các chính sách khuyến khích ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
- Về tổ chức chỉ đạo:
+ Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT kết hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình, đề xuất cơ chế chính sách để đưa chế phẩm, nguyên liệu làm đệm lót sinh học vào sản xuất công nghiệp nhằm giảm giá thành, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân rộng chăn nuôi trên đệm lót sinh học.
+ Giao Cục Chăn nuôi xây dựng đề án và kế hoạch triển khai ứng dụng đệm lót sinh học trên phạm vi toàn quốc, khẩn trương trình Bộ ban hành; tham mưu cho Bộ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai; hàng năm tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình này.
+ Giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chăn nuôi và một số địa phương nghiên cứu thí điểm chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sử dụng thân, lõi để làm đệm lót sinh học.
+ Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến nông trong áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế khuyến khích áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại các địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 2560/TB-BNN-VP năm 2014 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị toàn quốc về "Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi 2011 - 2013" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 2560/TB-BNN-VP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 30/05/2014
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Văn Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra