Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2529/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 2012-2013 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỤ HÈ THU, VỤ MÙA NĂM 2013 TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC

Ngày 17/05/2013 tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ Đông xuân 2012-2013 và triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè thu, vụ Mùa năm 2013 ở các tỉnh phía Bắc.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT: Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các Viện thành viên; Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương; Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện một số doanh nghiệp và các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, ý kiến tham luận của các đại biểu Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã có ý kiến kết luận chỉ đạo:

1. Đánh giá công tác chỉ đạo sản xuất lúa vụ Đông xuân 2012-2013

Sản xuất lúa vụ Đông xuân 2012-2013 các tỉnh phía Bắc về cơ bản là thắng lợi. Diện tích gieo cấy đạt khoảng trên 1,15 triệu ha, năng suất ước đạt 62,3 tạ/ha, tương đương vụ Đông xuân năm trước. Sản lượng thóc đạt khoảng gần 7,2 triệu tấn, thấp hơn vụ Đông xuân năm trước khoảng 52,8 nghìn tấn, chủ yếu do giảm 4,6 nghìn ha ở Đồng bằng sông Hồng do chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xây dựng thủy lợi, giao thông nội đồng khi dồn điền đổi thửa.

Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" tiếp tục được các địa phương, nông dân hưởng ứng. Trong vụ Đông xuân 2012-2013 có 18 tỉnh tham gia với 495 mô hình "cánh đồng mẫu lớn", tổng diện tích hơn 32.000 ha, tăng gấp 5 lần so với vụ Đông xuân năm trước.

Có được kết quả trên là do sự nỗ lực của bà con nông dân cũng như sự phối hợp tốt trong chỉ đạo, điều hành giữa các đơn vị thuộc Bộ với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhiều giải pháp tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng như chuyển mạnh sang trà xuân muộn với giống ngắn ngày, tăng lúa lai ở Bắc Trung Bộ (BTB), Trung du Miền núi phía Bắc (TDMNPB), tăng tỷ trọng lúa chất lượng, tăng diện tích gieo thẳng nhằm giảm chi phí…đã góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất.

Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất của Trung ương và địa phương đã được thực hiện, đặc biệt nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn".

Bên cạnh những thắng lợi đạt được, sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013 còn một số tồn tại như việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) chưa tốt; các cơ chế, chính sách cho sản xuất còn chưa kịp thời, các giải pháp tiến bộ kỹ thuật vẫn chậm đi vào thực tế; việc liên kết sản xuất mới bước đầu thực hiện chủ yếu ở các yếu tố đầu vào, còn bao tiêu sản phẩm vẫn còn hạn chế, vì vậy mô hình "cánh đồng mẫu lớn", áp dụng VietGAP… trong sản xuất chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, hàng chục ngàn ha gieo cấy giống lúa BC15 trong vụ Đông xuân năm nay bị tỷ lệ lép lửng cao, ảnh hưởng lớn tới năng suất, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc; đây cũng là bài học trong công tác chỉ đạo sản xuất cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu trong sản xuất thời gian tới.

2. Một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong sản xuất lúa vụ Hè thu, vụ Mùa và vụ Đông năm 2013

a) Để đảm bảo sản xuất vụ Hè thu, vụ Mùa 2013 đạt thắng lợi cần phải tập trung chỉ đạo một số việc sau:

- Bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực "cấy càng sớm càng tốt" để đảm bảo an toàn, né tránh được những bất thuận của thời tiết và đảm bảo kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông.

Đối với vùng BTB bố trí thời vụ gieo cấy lúa Hè thu vùng chạy lụt đảm bảo thu hoạch trước 5/9, vùng Hè thu thâm canh thu hoạch chậm nhất 20/9, vụ mùa sớm thu hoạch trong tháng 9, mùa chính vụ kết thúc cấy trong tháng 7.

Đối với vùng ĐBSH và TDMNPB: trà mùa sớm 450-500 nghìn ha, trong đó vùng ĐBSH khoảng 35 - 40% diện tích lúa để có quỹ đất làm vụ Đông ưa ấm, gieo mạ từ 5-15/6, cấy trong tháng 6, đầu tháng 7; vụ mùa trung gieo mạ 15-20/6, cấy trước 20/7; vụ mùa muộn gieo cấy các giống lúa dài ngày, phản ứng ánh sáng như các giống lúa đặc sản (Tám, Nếp), Bao thai, Mộc tuyền gieo mạ trong tháng 6, cấy trước 30/7.

Lúa gieo thẳng cần được quy hoạch thành vùng, tại những vùng chủ động tưới tiêu, thời vụ gieo từ 15-25/6.

Về cơ cấu giống tăng cường sử dụng các giống cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện bất thuận. Mỗi địa phương nên cơ cấu 3-4 giống lúa chủ lực và 3-4 giống lúa bổ sung, gieo tập trung theo vùng để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh và áp dụng các TBKT.

b) Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phổ biến áp dụng các TBKT phù hợp với VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

c) Tiếp tục phát triển mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn"; tăng cường mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng "cánh đồng mẫu lớn".

d) Có chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ trong sản xuất trồng trọt, hạn chế thất thoát và nâng cao chất lượng sản phẩm.

đ) Tiếp tục đổi mới cơ cấu cây trồng trong sản xuất, kết hợp phát triển cây vụ Đông; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hàng năm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng vẫn giữ được đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV, đảm bảo cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng cho sản xuất.

g) Xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, dịch hại để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết và dịch hại xảy ra.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị biết, phối hợp và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Thứ trưởng Vũ Văn Tám (để b/c);
- Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Các Cục: TT, BVTV;
- TTKNQG;
- Các Viện: KHNNVN, CLT-CTP, BVTV, NCRQ, NC ngô, KHKTNLN MNPB;
- Trường Đại Học Nông nghiệp Hà Nội;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG BỘ




Trần Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 2529/TB-BNN-VP kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ Đông xuân 2012-2013 và triển khai kế hoạch vụ Hè thu, vụ Mùa năm 2013 tại các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2529/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 31/05/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản