Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM

Ngày 30 tháng 12 năm 2013, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Tài chính; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sau khi nghe Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội, Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan về các kiến nghị của Hội, phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Trong những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tập hợp rộng rãi các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, đoàn kết giới sử học cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam; phổ biến tri thức lịch sử nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ di sản văn hóa; chủ trì và tham gia biên soạn, xuất bản nhiều công trình sử học quan trọng; thực hiện tư vấn, phản biện giám định xã hội đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc; thiết lập quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế. Hệ thống tổ chức của Hội ngày càng được mở rộng, bao gồm 53 hội, chi hội thành viên với gần 4000 hội viên chính thức. Đã xây dựng, hình thành Quỹ Phát triển sử học Việt Nam góp phần đào tạo nhân tài sử học, khuyến khích tài năng trẻ trong học tập, nghiên cứu lịch sử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những cố gắng và kết quả đã đạt được của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong thời gian qua.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần tập trung chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội lần thứ VII của Hội nhằm đánh giá, tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, đề ra phương hướng và giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của Hội gắn liền với sự phát triển của nền sử học nước nhà; huy động giới sử học cả nước tham gia biên soạn bộ Quốc sử “Lịch sử Việt Nam”, là bộ sử chính thống của đất nước và của dân tộc, trong đó, tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam; tích cực tham gia tư vấn, phản biện các công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, như sách giáo khoa lịch sử, chương trình môn lịch sử trong trường học, các hoạt động liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam; tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức Hội ở các Bộ, ngành, địa phương và phát triển hội viên ở các chi hội; chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.

2. Về một số kiến nghị:

a) Về đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu và có giải pháp đủ mạnh để sớm chấn chỉnh những tồn tại, sai sót về nhận thức và trình bày trong việc viết sử nghiệp dư của các ngành nghề, địa phương, cơ quan, dòng họ:

Giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai các công việc sau đây:

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử, kể cả các công trình viết sử nghiệp dư của các ngành nghề, địa phương, cơ quan, dòng họ.

- Nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp sưu tầm, xử lý tư liệu và cách trình bày viết sử nghiệp dư, bảo đảm tính thống nhất và tính khoa học.

- Tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử).

b) Đề nghị sớm thành lập Trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ):

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Trung tâm lưu trữ tư liệu quốc gia về biển, đảo trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

c) Về đề nghị bổ sung kiến thức về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông:

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

d) Về một số vấn đề liên quan đến Khu di tích Hoàng Thành - Thăng Long:

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành bàn các giải pháp thống nhất quản lý Khu di tích Hoàng Thành - Thăng Long, đồng thời đẩy nhanh công tác bảo tồn di tích đã phát lộ trong khu vực này. Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các công việc đã nêu tại Thông báo số 6/TB-VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.

đ) Về đề nghị thành lập Nhà xuất bản Sử học trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Thực hiện theo quy định của Luật xuất bản năm 2012.

e) Về việc tạo điều kiện hoạt động cho Hội:

- Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí ở mức phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động và phát triển của Quỹ Phát triển sử học Việt Nam và Tạp chí Xưa và nay; cấp kinh phí thuê trụ sở cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giao Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham gia thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Hội và cấp kinh phí thực hiện theo quy định.

- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ động huy động tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để phục vụ cho hoạt động của Hội nói chung và Quỹ Phát triển sử học Việt Nam nói riêng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo;
- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban nhân dân TP Hà Nội;
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, TCCV, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 24/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 24/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 20/01/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Nên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản