VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY; TÌNH HÌNH ĐÓNG TÀU CẢNH SÁT BIỂN, TÀU KIỂM NGƯ VÀ CƠ CHẾ ĐÓNG TÀU VỎ SẮT CHO NGƯ DÂN
Ngày 04 tháng 6 năm 2014, tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; tình hình đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cơ chế đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng, Giao thông vận tải; Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Thống nhất với báo cáo, đánh giá của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; tình hình triển khai các dự án đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cơ chế đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân.
Trong thời gian qua, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã tổ chức thực hiện đúng tiến độ các dự án đóng tàu kiểm ngư, góp phần cùng các lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông; các kết quả bước đầu tuy còn hạn chế nhưng rất đáng khích lệ.
Việt Nam là quốc gia ven biển, có các vùng biển rộng, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển nhiều thành phần, như kinh tế thăm dò, khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản; khai thác nguồn lợi thủy sản; kinh tế hàng hải... Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó có chủ trương phát triển vững chắc ngành công nghiệp đóng tàu đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời phục vụ các lực lượng thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc. Trong những năm qua, ngành công nghiệp tàu thủy nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định, đã xây dựng được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, đóng được nhiều loại tàu biển có giá trị xuất khẩu và phục vụ các ngành kinh tế và thị trường trong nước. Đây là bước tiến dài của ngành công nghiệp đóng tàu, cần phát huy, tiếp tục khẳng định và phát triển.
Những yếu kém của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thời gian qua chủ yếu là do năng lực quản trị yếu kém, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật. Nhưng cũng không vì lý do đó mà từ bỏ ngành công nghiệp đóng tàu. Hiện nay, Vinashin đang thực hiện một bước tái cơ cấu, đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về nguồn lực tài chính phục vụ cho tái cơ cấu.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
a) Duy trì sản xuất kinh doanh; tập trung giải quyết khó khăn, tăng cường giao dịch để ký kết hợp đồng đóng tàu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống;
b) Chỉ đạo đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa công ty mẹ và các doanh nghiệp được giữ lại sau tái cơ cấu; thực hiện việc tái cơ cấu lực lượng lao động theo cơ chế, chính sách hiện hành;
c) Thực hiện quản trị doanh nghiệp tốt, hiệu quả; thúc đẩy thực hiện các chương trình, dự án đã có chủ trương, kế hoạch.
3. Về các kiến nghị
a) Đối với đóng tàu kiểm ngư:
- Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với chủ đầu tư bổ sung thiết kế, trang thiết bị cho các dự án đóng tàu mới, kể cả 02 tàu kiểm ngư cỡ lớn, các tàu kiểm ngư cỡ nhỏ đang hoàn thiện và các tàu đang hoạt động; bảo đảm các tàu kiểm ngư hoạt động an toàn, sử dụng có hiệu quả;
- Bộ Quốc phòng, căn cứ nhu cầu thực tế của ngư dân và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển, nghiên cứu đề xuất các dự án đóng tàu ưu tiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Bộ Tài chính cân đối, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các dự án đóng tàu thuộc đối tượng ưu tiên.
b) Đối với đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân:
- Nguyên tắc của việc đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân là phải bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế, do vậy, biện pháp thực hiện phải bảo đảm vững chắc; thiết kế, lựa chọn mẫu tàu vỏ sắt phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của ngư dân. Khi thực hiện cơ chế thí điểm đóng tàu vỏ sắt, các cơ quan liên quan cần phải lấy ý kiến của ngư dân và tàu thí điểm phải có chủ tàu trước khi đóng (họ chấp nhận thiết kế và các điều kiện) để họ giám sát và bàn giao đưa vào khai thác ngay sau khi hoàn thành. Cơ chế tín dụng ưu đãi như Nghị định mới của Chính phủ;
- Về cơ chế tài chính phục vụ cho việc đóng tàu vỏ sắt: Ủng hộ cơ chế tài chính thí điểm đóng 10 tàu vỏ sắt cho ngư dân. Ngư dân được vay vốn đóng tàu với lãi suất tối đa là 3%/năm; Nhà nước hỗ trợ 70%, ngư dân đóng góp 30% phí mua bảo hiểm của chủ phương tiện (bao gồm bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện). Chủ phương tiện được sử dụng phương tiện để thế chấp tại các tổ chức tín dụng theo quy định;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện dự thảo về một số cơ chế, chính sách phát triển thủy sản, bao gồm cả cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 18/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1228/BNN-KH năm 2014 báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 2 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Thông báo 406/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 194/QĐ-TTg năm 2017 về kiện toàn Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo 18/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1228/BNN-KH năm 2014 báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 2 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Thông báo 406/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 194/QĐ-TTg năm 2017 về kiện toàn Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông báo 232/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; tình hình đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cơ chế đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 232/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/06/2014
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Nên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định