Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM BÌNH MINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng; có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Thành phố báo cáo về công tác Đối ngoại 06 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2016; tình hình tiếp nhận, quản lý và thực hiện các dự án ODA, vốn vay ưu đãi và các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; ý kiến của lãnh đạo và đại diện cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả Thành phố đã đạt được trong công tác Đối ngoại, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cụ thể là:

1. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 663 triệu USD, tăng 10,5%, kim ngạch nhập khẩu đạt 623 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng số lên 409 dự án FDI trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,7 tỷ USD; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Với 21 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, cùng với việc thiết lập quan hệ hợp tác với 37 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 tháng đầu năm 2016, Thành phố đã đón 323 đoàn khách quốc tế đến làm việc, tăng 19 đoàn so với cùng kỳ; khách quốc tế đến tham quan, du lịch đạt 2.475 nghìn lượt, tăng hơn 11%, tổng thu hoạt động du lịch đạt 7.177 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ.

2. Giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, Thành phố đã triển khai thực hiện 13 dự án ODA và vốn vay ưu đãi, bao gồm 7 dự án đầu tư và 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật; là địa phương được đánh giá cao về năng lực quản lý từ việc thành lập Hội đồng dự án, chủ động trong việc cân đối vốn đối ứng và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; các dự án được triển khai tốt về tiến độ, bảo đảm các mục tiêu đề ra; theo đó, tốc độ giải ngân các dự án đạt trên 30%, cao hơn 10% mức trung bình cả nước. Các dự án ODA đã góp phần quan trọng trong việc nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin và cải thiện điều kiện sống của nhân dân, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Những kết quả đạt được nêu trên là bài học hữu ích có thể nhân rộng.

3. Việc chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thời gian vừa qua thành phố Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và của Ủy ban Quốc gia APEC 2017, theo đó, Thành phố đã thành lập 5 tiểu ban phục vụ, chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ sự kiện trên, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

II. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trên tất cả các lĩnh vực, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 của Thành phố.

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư; ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, dự án có khả năng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tập trung triển khai các dự án, công trình phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á (ABG5) đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

3. Phát huy và làm tốt hơn nữa việc mở rộng hoạt động đối ngoại, tạo nguồn lực cho sự phát triển và nâng cao vị thế của thành phố Đà Nẵng trong mắt bạn bè quốc tế;

Tận dụng thật tốt cơ hội khi đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2017; theo đó, Thành phố cần xây dựng ngay kế hoạch cụ thể, để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, quảng bá du lịch và sản phẩm đặc trưng, vật phẩm kỷ niệm, gắn Đà Nẵng với APEC...

4. Nguồn vốn ODA với lãi suất thấp cơ bản sẽ kết thúc vào năm 2017; hiện nay Chính phủ đang tích cực vận động tiếp tục được tiếp cận nguồn này và vốn vay ưu đãi, đồng thời đang xem xét xây dựng Nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; từ bài học kinh nghiệm của Thành phố, Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến chung để xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA trong thời gian tới;

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch, truyền thông dự án nói chung và các dự án dùng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Khuyến khích Thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân, xã hội hóa cùng với việc tiếp cận nguồn lực từ nguồn ODA và vốn vay ưu đãi để làm phần vốn góp, tạo động lực triển khai các Dự án đối tác công - tư (PPP).

III. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:

1. Các dự án đầu tư nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi:

a) Về Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về Đề xuất Dự án theo quy định; theo đó, Thành phố hoàn thiện Báo cáo tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

b) Về Dự án Phát triển công nghệ thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2) và Dự án Phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý, điều hành giao thông: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét đề nghị nêu trên của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Về Dự án Hành lang Đông - Tây (Quốc lộ 14D) sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á: Đồng ý về nguyên tắc; giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải xem xét, bổ sung Dự án trên vào danh mục vay vốn ODA giai đoạn 2017 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

d) Về Dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức PPP: Ủy ban nhân dân Thành phố làm rõ chủ đầu tư phần vốn góp; theo đó khuyến khích thực hiện xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ để có nguồn thu trả phần góp vốn của nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức đề xuất Chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6148/VPCP-QHQT ngày 25 tháng 7 năm 2016.

đ) Về Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP: Đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Giao thông vận tải làm rõ nguồn vốn đầu tư, khả năng thu hồi vốn để hoàn trả nguồn vốn vay (kể cả nguồn ODA); theo đó, Bộ Giao thông vận tải xem xét việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ theo đúng quy định.

e) Về Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng (phần đầu tư không thuộc Bộ Giao thông Vận tải): Ủy ban nhân dân Thành phố làm rõ nguồn vốn đầu tư, khả năng thu hồi vốn để hoàn trả nguồn vốn vay của Dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung vào Danh mục dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

g) Về Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng xúc tiến với Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID): Nguồn vốn Quỹ OFID không lớn, số lượng dự án của Quỹ OFID dành cho Việt Nam rất hạn chế. Đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, cân nhắc để có phương án phù hợp.

h) Về Dự án Hạn mức tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) dành cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất Dự án này.

2. Về thu hút nguồn vốn FDI cho các dự án công nghệ cao: Giao Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ theo đề nghị của Thành phố.

3. Về đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố khi phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền thì không phải lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề xuất nêu trên; có chủ trương chung đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Về việc triển khai công tác phục vụ Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á (ABG5) tại Thành phố:

a) Về kinh phí tổ chức ABG5: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan thực hiện theo Quyết định số 1111/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Việc lựa chọn nhà thầu đối với Dự án cơ sở vật chất, sân bãi thi đấu: Văn phòng Chính phủ đôn đốc các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất nhằm đảm bảo tiến độ và theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Về cấp bổ sung kinh phí ăn, ở đối với quan chức, khách mời của Ủy ban Olympic Châu Á: Giao Bộ Tài chính xem xét xử lý theo quy định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, NG, GTVT, VHTT&DL.
- Ủy ban Quốc gia APEC 2017;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Thư ký PTTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, KTN, QHQT, KHTC, KGVX;
- Lưu: VT, V.III (3).Vinh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 229/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về công tác đối ngoại do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 229/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/08/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản